Chúng ta đang có một chiến thắng được thành hình
Cùng ngày 13 tháng 4, ông Martin đánh thêm về Tòa Bạch Ốc một công điện nữa để chuyển một báo cáo của Tướng Smith vừa mới soạn cho Tướng Brown ở Ngũ Giác Đài. Tướng Homer Smith là Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ tại Sàigòn (thay Tướng John Murray); Tướng George S. Brown là Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Trong báo cáo, Tướng Smith khen ngợi lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu của quân lực VNCH trong một tình thế vô cùng bất lợi về hỏa lực cũng như quân số. Tướng Smith Báo cáo như sau:
Ngày 13 tháng 4
Tướng Smith
Gửi Tướng Brown
Qua Đô đốc Gayler, Tư lệnh Thái Bình Dương
"Chúng ta đang có một chiến thắng được thành hình. Tại mặt trận Long Khánh, quân đội VNCH đã chứng tỏ rõ ràng sự cương quyết, ý chí và lòng can đảm để chiến đấu mặc dù cán cân lực lượng đã thiên hẳn về phía địch. Dù rằng trận chiến chỉ mới qua vòng một, chúng tôi có thể nói dứt khoát rằng quân đội VNCH đã thắng vòng một.
"Mặt trận này là để kiểm soát được QL-1 và QL-20, và thị trấn Xuân Lộc đã bắt đầu từ ngày 9 tháng tư với 3,000 quả trọng pháo, tên lửa và súng cối...
"Sáng nay bắt đầu ngày thứ năm của trận chiến, lực lượng VNCH vẫn giữ được bản doanh..."
Chín sư đoàn Bắc Việt đang tiến về Sàigòn, nhưng có thể vì Xuân Lộc mà quân đội Bắc Việt đã tạm ngừng để phối trí lại? Khả năng này là cao vì nếu không có cái chốt ở Xuân Lộc thì theo tình báo của Hoa Kỳ: Sàigòn đã bị tấn công sớm hơn như đề cập dưới đây.
Niềm hy vọng thoáng qua
Tại Dinh Độc Lập, TT Thiệu theo dõi hai trận chiến Xuân Lộc và Long An với một niềm hy vọng. Hồi tưởng lại những công việc ông làm lúc ấy thì thấy phản ảnh rõ ràng là ông chợt thấy chút ánh sáng cuối đường hầm. Ngày 9 tháng 4 đang khi trận Xuân Lộc bắt đầu thì Sư đoàn 5 BV từ Svay Rieng (Kampuchia) tiến đánh Long An. Địa Phương Quân Long An phản công dữ dội, được một số đơn vị của Sư đoàn 7 từ QĐ IV tiếp viện. Rồi số binh sĩ còn lại của Sư đoàn 22 sau khi đã chiến đấu với "quyết tâm, can trường, và được lãnh đạo tốt ở Bình Định," theo lời Đại tá LeGro viết cho Quân sử Hoa Kỳ, thì "dù bị thiếu thốn mọi thứ đã được điều động tới tiếp viện cho Long An."
Trong cuộc họp ngày 1 tháng 4 tại Dinh Độc Lập, Tổng thống Thiệu cũng nói (và chúng tôi ghi lại thật rõ ràng vào cuốn sổ): "Còn như ở Quy Nhơn: Sư đoàn 22 đánh tới chết (từ Phú Cát), dù Tư lệnh bị bệnh cũng cứ đánh." Vào chính lúc đó, ngày 10 tháng 4, Tổng thống Ford lại yêu cầu tăng quân viện phụ trội cho VNCH (dù chỉ là yêu cầu chiếu lệ như đề cập dưới đây). Tổng thống Thiệu vừa thấy chiến thắng, vừa nghe chính Tổng thống Hoa Kỳ tỏ ra có thiện cảm với Miền Nam nên ông lên tinh thần đôi chút, hy vọng vẫn còn khả năng chiến đấu:
" Ngày 11 tháng 4, ông ghi vào một văn bản (theo tờ trình của đại sứ Martin) về những việc ông sắp làm, rồi đưa cho chúng tôi (vì còn giữ được nên chúng tôi in kèm theo):
- Diễn thuyết trên truyền hình và đài phát thanh nói về chiến thắng Xuân Lộc, Long An;
- Móc nối việc này vào lễ tấn phong chính phủ mới (chính phủ Nguyễn Bá Cẩn) vào sáng thứ 2, ngày 14 tháng 4; và
- Tổng thống đi thăm chiến thắng;
- Rồi ông ghi thêm "Tổng thống còn có thể làm gì nữa?"
" Ngày 14 tháng 4 (tức là chỉ còn hai tuần trước sụp đổ) trong nghi lễ tấn phong tân chính phủ Cẩn, dù có vẻ căng thẳng, vẻ mặt xanh xao vì những biến cố liên tục, nhưng ông vẫn còn nói tới quyết tâm chiến đấu, chưa tuyệt vọng;
"Ngay sau đó, như đã nhắc lại trong Chương 6, ông bảo chúng tôi ghé văn phòng ông và đưa cho xem công điện của Ngoại trưởng Bắc đánh từ Luân Đôn về báo cáo đã thành công về chuyến đi Saudi Arabia để vay tiền.
Xuân Lộc trả lời bí ẩn 19/4?
Ngày 10 tháng 4 là ngày trận Xuân Lộc và Long An đang tiếp diễn, Tổng thống Ford ra Quốc hội yêu cầu tăng quân viện cho Miền Nam. Như vậy là để thêm tiếp liệu cho quân đội VNCH? Không phải, đây chỉ là một nghĩa cử trông cho đẹp, bịt mắt thiên hạ mà thôi. Sau này, chính Phụ tá Tổng thống Brent Scowcroft đã tiết lộ với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn: "Việc xin quân viện như vậy chỉ là một cách làm cho chúng tôi trông có vẻ thật lòng về những cố gắng ấy. Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi." (KĐMTC trang 290-293).
Thật hay không thật lòng là một bí ẩn lúc ấy, nhưng còn một sự việc khác bí ẩn hơn nhiều. Đó là khi Tổng thống Ford yêu cầu cấp thêm quân viện, ông lại ấn định một thời gian chỉ có 9 ngày để Quốc Hội hành động: hạn chót là ngày 19 tháng 4. Ngày đó Quốc hội phải cho biết là 'có hay không' chấp nhận đề nghị của ông.
Tổng thống Thiệu hết sức thắc mắc về hạn chót này. Ông hỏi tôi tại sao lại chọn ngày 19 tháng 4? Tôi trả lời thực sự tôi cũng không hiểu. Sau đó tôi gọi Đại sứ Martin hỏi, ông cũng chỉ nói lơ mơ là không có gì đặc biệt. Nhưng rồi tin đồn đi khắp nơi là 'nếu Quốc hội Mỹ không chấp thuận quân viện vào hạn chót thì toàn bộ người Mỹ sẽ di tản hết vào ngày 19 tháng 4.' Ông Martin phải cho ông Alan Carter (Giám đốc Thông Tin Hoa kỳ) lên tivi giải thích để mọi người an tâm. Carter giải thích: "Ngày 19 tháng 4 chỉ là một ngày đặt ra cho Quốc hội hành động, chẵng có gì quan trọng cả."
Nói thì nói vậy chứ chắc chắn là ngày này phải là ngày quan trọng, nó không chỉ là một ngày như mọi ngày. Tại sao chỉ hai ngày trước hạn chót 19/4 ông Kissinger đã đánh điện thúc giục ông Martin: "Quan điểm chung của các giới quân sự, Bộ Quốc Phòng, và CIA là phải rút ra cho lẹ và ngay bây giờ." (KĐMTC, trang 356).
Ngày nay, sau 35 năm, có thể là ta đã có được câu trả lời về bí ẩn 19 tháng 4: ngày đó chính là ngày mà theo như kế hoạch ban đầu của quân đội Bắc Việt là sẽ tấn công vào Sàigòn. Trong một mật điện gửi về Tòa Bạch Ốc ngày 16 tháng 4, Đại sứ Martin viết là tình báo Hoa kỳ cho biết: sẽ có tổng tấn công vào ngày 18 hay 19 tháng 4. Nhưng ông cũng cho rằng không nên lo ngại vì trận Xuân Lộc và Long An đã làm thay đổi kế hoạch này rồi (ghi chữ đậm là do tác giả):
Ngày 16 tháng 4, 1975
Gửi Tướng Brent Scowcroft
Tòa Bạch Ốc
"Ông sắp sửa nhận được tin tình báo là sẽ có tổng tấn công vào Sàigòn ngày 18 hoặc 19... Tuy nhiên tôi tin rằng sự thành công của VNCH tại Xuân Lộc và Long An đã đánh lạc thời biểu này rồi (throw off balance the timetable). Và tôi cũng đã nói với Tướng (Nguyễn Khắc) Bình, Tư lệnh Cảnh sát và Tướng Minh, Tổng trấn Thủ đô phải coi tin này hết sức khẩn trương để chuẩn bị. Dù sao, tôi ước tính dù Cộng sản có tấn công thì cũng không tiến quá được Gia Định..."
Martin
Nếu như vậy thì ảnh hưởng của Xuân Lộc, Long An thật sâu xa: nó đã giúp mua được thời gian cho mọi người. Độc giả cứ thử tưởng tượng nếu có cuộc tấn công Sàigòn vào ngày 19 tháng 4 thì sao? Ngoài sự tàn phá khôn lường, chắc chắn là sẽ náo loạn và thực tế là ngoài một số các em bé mồ côi đã được chở đi trước đó, cuối cùng thì chẳng có ai di tản được. Lúc ấy thì cả Tổng thống Thiệu cũng còn đang tại chức.
Vì có thêm thời gian, nhiều việc được sắp xếp: từ việc Tổng thống Thiệu từ chức, tới những giải pháp chính trị, và việc ông Martin giúp di tản. Kiểm điểm về biến cố này thì lại thấy nó trùng hợp với một sự kiện nữa: cũng ngày 19 tháng 4, Ngoại trưởng Kissinger gửi một thông điệp của Tổng thống Ford cho Tổng Bí thư Brezhnew qua Đại sứ Nga Dobrynin đề nghị là "Chúng tôi cần có một cuộc đình chiến để di tản công dân Mỹ và những người Việt Nam có liên hệ trực tiếp và đặc biệt với Mỹ."
Nếu có sự phối hợp giữa các binh chủng
Về trận này, Đại tá LeGro viết cho Quân sử Hoa Kỳ có bình luận: "Thông điệp rõ ràng là những người binh sĩ Việt Nam tại Long Khánh đã chiến đấu tới chết cho xứ sở của họ. Đây là một sự nối kết cố gắng giữa Bộ Binh và Không Quân giúp cho Sư đoàn 18, Lữ đoàn Dù, và Biệt Động Quân để cố thủ". Như vậy, trận chiến này cho thấy khi nào quân đội được lãnh đạo cho đúng mức, và có sự phối hợp giữa các binh chủng thì khả năng thành công là cao. Và ngược lại khi không có sự phối trí cho chặt chẽ, hữu hiệu thì thất bại, thí dụ như cuộc rút lui từ Pleiku. Chúng tôi nghĩ rằng nếu các nhà quân sử xem xét lại những chiến thắng của quân đội VNCH thì cũng thấy nhận xét này là đúng.
Trong công điện báo cáo ngày 16 tháng 4, Đại sứ Martin viết:
"Duyệt lại thành quả sau năm ngày giao tranh đầu tiên, tướng Smith nói: "Tinh thần dũng cảm cũng như sự xông xáo của quân đội VNCH, nhất là những lực lượng Địa Phương Quân Long Khánh, rõ ràng chứng minh rằng những người lính này, nếu được trang bị đầy đủ và lãnh đạo tốt, sẽ vượt trội hẳn đối thủ của họ nếu so sánh từng cá nhân. Trận Xuân Lộc vào lúc này dường như đã trả lời được câu hỏi "liệu quân đội VNCH sẽ có chiến đấu hay không?"
Vũng Tầu giúp tránh đại họa?
Một điểm lịch sử quan trọng khác nữa là việc đại sứ Martin đã cực lực phản đối kế hoạch của Washington định đưa Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vào Sàigòn để di tản người Mỹ. Như chúng tôi đã đề cập trong cuốn KĐMTC, đây là một kế hoạch hết sức nguy hiểm vì binh sĩ Mỹ sẽ phải bắn nhau với quân đội VNCH để tìm lối thoát, và gây đại họa. Yếu tố nào đã giúp ông Martin thuyết phục được Washington bỏ ý định về cái mà ông gọi là "kế hoạch điên rồ" (crazy plan)?
Dù cho tới nay, ít ai hay biết, nhưng chính những đơn vị quân đội VNCH trấn đóng ở Vũng Tàu vào những ngày giờ cuối cùng đã phần nào giúp đại sứ Martin trong việc này. Ông đã sắp xếp, vận động để có một số đơn vị Dù và TQLC tới trấn đóng ở Vũng Tàu giúp giữ một cửa biển, một lối thoát cho người Mỹ. Vì đã có quân đội VNCH rồi, nên ông trình bày với Washington là khỏi cần phải đưa binh sĩ Mỹ vào nữa. Trong công điện gửi Ngoại trưởng Kissinger đề ngày 17 tháng 4, ông Đại sứ viết (ghi chữ đậm là do tác giả):
"Tôi đã có kế hoạch dùng mấy đơn vị thiện chiến của Sư Đoàn Dù và TQLC Việt Nam để họ bảo đảm an ninh cho cuộc di tản người Mỹ từ Sàigòn; những đơn vị này sẽ đồn trú tại Vũng Tầu và những điểm cần thiết để tầu (di tản) cập bến. Như vậy sẽ giảm thiểu được nhu cầu phải mang quân đội TQLC Mỹ vào, trừ một số để bảo vệ trên tầu và lên bờ trợ giúp đoàn người xuống tầu.
Ông giải thích là trước đó trong những công điện gửi cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc Phòng, ông không nói tới việc này là vì:
"Điều mà tôi đã không ghi ở trong công điện gửi Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Quốc Phòng vì tôi vô cùng e ngại rằng tin này sẽ được in trên trang nhất cuả tờ New York Times và Washington Post ngay ngày hôm sau..."
Ai là người đã giúp ông Martin vận động việc điều quân này? Ông Martin viết:
"Hôm nay tôi đã cho di tản một cách bất hợp pháp, bà vợ của một viên chức tình báo cao cấp. Ông ta sẽ không bao giờ ra đi, nhưng như vậy ta luôn có thông tin đầy đủ, và chính ông ta cũng đã dùng ảnh hưởng lớn của mình can thiệp với tư lệnh một vài đơn vị quân đội trong số những đơn vị mạnh mẽ nhất để giúp cho 'những người bạn trung thực nhất' của Việt Nam ra đi cho an toàn."
Như vậy, người đó là Tướng Tổng Giám đốc Trung ương Tình báo VNCH. Để đáp lại, thì đối với những đơn vị này, ông Martin nhất quyết là sẽ mang gia đình họ đi dù không có phép của Tổng thống. Ông sẽ lĩnh nhận hết trách nhiệm nên nếu có gì trục trặc thì cứ việc đổ lỗi cho ông. Mật điện gửi Tướng Scowcroft đề ngày ngày 16 tháng 4 như sau:
"Nếu tôi phải mang những người lính (Dù và TQLC) này cùng gia đình họ đi, tôi sẽ làm như vậy và sẽ trả lời sau về việc này. Tôi không xin phép ông đâu, để khỏi làm phiền lụy tới Tòa Bạch Ôc quá sớm. Và ông cũng không cần nói tới chuyện này khi ông trả lời cho tôi. Tuy nhiên, tôi muốn cả ông, Henry (Kissinger) và Tổng thống đều biết việc này.
"Nếu như có gì trục trặc xảy ra thì ông có thể tách các ông rời ra khỏi tôi, và cứ đổ là tôi đã hành động khi không có phép, nếu ông muốn. Nhưng đây là cách tốt nhất để có thể rút ra khỏi đây mà không phải dùng quân lực Mỹ đánh nhau với đồng minh trước đây của chúng ta, hoặc sát hại những người thường dân Việt Nam."
Cuối cùng ông Martin đã giữ lời hứa là di tản một số thân nhân của TQLC, tất cả là 250 người từ Vũng Tầu. Ngày 26 tháng 4, ông gửi công điện sau:
Đại sứ Martin gửi Tư lệnh Thái Bình Dương CINCPAC
"Tôi đã xem xét rất kỹ đề nghị của tướng Smith chính thức gửi tới ông là được dùng 2 chiếc C-130 để chuyên chở 250 thân nhân của TQLC ra đi từ Vũng Tầu vào ngày 27 tháng 4.
"Tôi đã chấp thuận kế hoạch này và muốn được thi hành cho hết sức chính xác. Đây là một yêu cầu cá nhân của tướng Lân, Tư lệnh sư đoàn TQLC. Ông ta hoàn toàn kiểm soát được phi trường Vũng Tầu...
"Vì không có mặt của Không Quân VN ở phi trường và người di tản cũng chưa kéo tới phi trường, nên tướng Lân hoàn toàn bảo đảm an toàn cho công việc này.
"Cũng có yếu tố chính trị rất quan trọng nữa đòi hỏi phải hành động cho thật hoàn hảo, chính xác và cho nhanh: đây là một tiền lệ, một thử nghiệm về việc dùng Vũng Tầu trong tương lai (để di tản) nếu tôi cảm thấy yên tâm rằng tướng Lân có thể cung cấp cho ta sự bảo vệ cần thiết..."
Martin
Cuối cùng, quân đội VNCH đã đóng góp không nhỏ vào thời điểm chót: vì đã chiến đấu dũng cảm ở Xuân Lộc nên mua thêm cho mọi người được 10 ngày quý giá. Giữ được cửa khẩu Vũng Tầu còn giúp cho ĐS Martin tránh được đại họa. Và tất cả đã giữ được ổn định, giúp cho đoàn người di cư đầu tiên có thể ra đi.
Cái nghịch lý là quân đội VNCH chẳng những đã không bắt con tin mà lại còn giúp cho "những người bạn trung thực nhất của Việt Nam (theo lời Đại sứ Martin) được ra đi cho an toàn."
Thật là một điều đáng được ghi nhớ.
****
LeGro, Vietnam From Cease-Fire to Capitulation, trang 173.
Như trên, trang 174.
Như trên, trang 173.
Như trên trang 174.
David Butler, The Fall of Saigon, trang 266.
David Butler, như trên, trang 352-3.