Đúng 5 giờ 40 phút sáng ngày 9/4/1975, hàng ngàn trái đại bác đủ loại trút xuống thị xã nhỏ bé Xuân Lộc với diện tích vài cây số vuông. Trận mưa pháo tàn bạo và hiểm ác kéo dài trong một tiếng đồng hồ, tiếp theo sau là những đợt tấn công biễn người có xe tăng yểm trợ. Nhưng 3 sư đoàn 6, 7 và 341 của Quân Đoàn 4 do Thiếu Tướng Hoàng Cầm chỉ huy đã thất bại ngay trong những đợt tấn công đầu tiên. Các đợt tấn công của quân CSBV đã bị chận đứng ngay bên ngoài vòng đai phòng thủ của các chiến binh dũng cảm Nỏ Thần Miền Đông, Mũ Nâu, ĐPQ & NQ tỉnh Long Khánh. Sau ba ngày liên tục pháo và tấn công, quân CSBV vẫn bị cầm chân bên ngoài, chỉ có một vài toán nhỏ bộ đội lọt được vào bên trong, nhưng bị tiêu diệt ngay, phần lớn bị bắt làm tù binh. Bọn đầu sỏ Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng và Trần Văn Trà phải mở cuộc họp khẩn cấp tại Lộc Ninh vào buổi chiều ngày 11/4/75 để bàn thảo một phương án mới hầu tránh bị tiêu diệt. Trong lúc đó, vào buổi sáng ngày 12/4/75, quân trú phòng lại được tămg cường Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, làm cho kế hoạch tấn chiếm Xuân Lộc càng thêm vô vọng.
Cuộc chiến vẫn trong tình trạng giằng co. CSBV điều thêm vào chiến trường Trung Đoàn 95B, rồi Sư Đoàn 325, nhưng vẫn không đạt được những gì chúng mong muốn. Sau khi phòng tuyến Phan Rang thất thủ chiều ngày 16/4/75, Quân Đoàn Duyên Hải/CSBV do Tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy đang trực chỉ Xuân Lộc. Bộ đội của hắn đã xuất hiện ở Rừng Lá.
Quân CSBV càng tập trung đông đảo, càng là miếng mồi ngon cho loại bom có sức hủy diệt lớn. Đó là Bom BLU-82.
BẢO ĐỊNH
Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Quốc Cộng, QLVNCH được người bạn đồng minh Hoa Kỳ cung cấp cho 6 trái bom loại lớn nhất, có tên gọi là BLU-82 để QLVNCH có thể ngăn chận được làn sóng đỏ đang hung dữ tràn vào từ phương Bắc. Loại bom này xử dụng ngòi nổ “Daisy Cutter”. Nhưng có điều hôi hài, người bạn chỉ cung cấp 2 ngòi nổ!
Bom nặng 15,000 pounds, đường kính 54 inches, chiều dài 141,6 inches, trị giá khoảng $27,318 USD. Bom được đặt lên vận tải cơ C.130, bay ở cao độ 6,000 feet. Tùy theo tính chất của mục tiêu, bom BLU-82 có loại văng miểng, có loại gây hơi ép, khi nổ tạo ra áp lực 1,000 pounds/square inch. BLU-82 có công hiệu chống hầm hố bằng cách phóng ra một hổn hợp nhiên liệu khí, khi nổ gây sức ép lớn, đồng thời đốt hết dưỡng khí trong một khu vực.
Theo tài liệu của George J. Veith & Merle L. Pribbenow II trong quyển “Fighting Is An Art”, tháng 4 năm 1975, Không Lực Hoa Kỳ dùng máy bay C-130 chở những trái bom tới Phi trường Tân Sơn Nhất, trao lại cho Không Quân VNCH. Các chuyên viên của cơ quan DAO sẽ huấn luyện cho phi công QLVNCH cách xử dụng. Buổi chiều ngày Thứ Ba, 22 tháng 4 năm 1975, một chiếc C-130 của Không Quân VNCH chở một trái CBU rời Phi trường TSN, bay ra Xuân Lộc, đảo một vòng rồi nhắm hướng Đông, thả trái bom CBU xuống Chỉ Huy Sở của Sư Đoàn 341/CSBV, đặt ngay bên ngoài thị xã Xuân Lộc vừa bị bỏ ngỏ. Bom đã gây thiệt hại nặng nề cho quân CSBV. Có hơn 250 tên bộ đội xâm lăng đền tội. Nhưng ở một đoạn khác, tác giả nói vì không có những phi vụ B-52, KQ/QLVNCH đã bay thả xuống những mục tiêu quan trọng tại chiến trường Xuân Lộc những trái bom nặng 15,000 pounds gọi là “Daisy Cutter”. Ngày 14/4, trái “Daisy Cutter” đầu tiên thả xuống Chỉ Huy Sở của QĐ4/CSBV, cách Xuân Lộc 12 cây số về hướng Đông Bắc. Tin tức ghi nhận có đến 75% mục tiêu bị hủy diệt. Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho rằng trái “Daisy Cutter” đầu tiên đã được KQ/QLVNCH thả xuống hồi tháng 11/74. Theo Quân sử của QĐ4/CSBV, KQ/QLVNCH đã thả loại bom có tầm sát hại lớn là CBU (Cluster Bomb Unit) làm cho các đơn vị của chúng bị thiệt hại nặng.
Khi Tướng Võ Nguyên Giáp được báo cáo về vụ ném bom, đã gửi ngay một công điện vào Mặt Trận, khuyến cáo bọn chỉ huy chiến trường phải tấn công TSN và các phi trường khác để máy bay của KQ/QLVNCH không thể cất cánh được. Nhưng sự việc ai đã ra lệnh cho xử dụng bom, bao nhiêu trái, mục tiêu đánh bom, và sự thiệt hại do bom gây ra thì vẫn trong vòng bí mật.
Theo tài liệu “Tuyến Thép Xuân Lộc” do Đại Tá Hứa Yến Lến, TMT/HQ/SĐ18BB, biên soạn, Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3/BTTM/QLVNCH, xác nhận hai trái bom thả xuống Xuân Lộc là loại bom BLU-82 chứ không phải CBU-55, do Không Quân QLVNCH bay thả xuống vùng tập trung quân CSBV. Mục tiêu do Tư Lệnh Chiến Trường (Lê Minh Đảo) cung cấp, Tư Lệnh Quân Đoàn (Nguyễn Văn Toàn) xin BTTM, và khi Đại Tướng TTMT Cao Văn Viên chấp thuận thì chuyển qua cho Tư Lệnh Không Quân (Trung Tướng Trần Văn Minh). Và chỉ có Tư Lệnh Không Quân biết để mà thi hành.
Theo quyển “Những Ngày Cuối của VNCH” của Đại Tướng Cao Văn Viên, cuối tháng 2/1975, BTTM xin Hoa Kỳ cung cấp những loại bom chiến lược không quân có thể xử dụng được. Hoa Kỳ hứa gửi 27 quả bom và chuyên viên huấn luyện. Giữa tháng 4, ba trái được chở đến, cuối tháng 4, thêm ba trái nữa. Một chuyên viên Hoa Kỳ đi theo để hướng dẫn. Nhưng người phi công Hoa Kỳ có trách nhiệm lái máy bay thả bom thì không đến. Trong tình trạng khẩn trương của chiến trường, BTTM và BTL/KQ quyết định tuyển chọn một phi công kinh nghiệm cho nhiệm vụ thả bom.
“Vào một giờ sáng phi cơ thả trái “Daisy Cutter” đầu tiên cách Xuân Lộc 6 cây số về hướng tây bắc. Thành phố Xuân Lộc rúng động như gặp động đất; tất cả đèn điện bị tắt, và truyền tin của địch ngưng hoạt động – bộ chỉ huy sư đoàn 341 CSBV bị tiêu hủy”.
Theo quyển “Những Sự Thật Chiến Tranh Việt Nam 1954-1975” của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Đại Tá Lê Bá Khiếu, và Tiến Sĩ Nguyễn Văn, trang 255 có ghi: “Đêm 15/4/75, sau khi cộng quân tràn ngập vùng ngã ba Dầu Giây, Tướng Toàn, TL/QĐ III đã quyết định đề nghị Bộ TTM cho xử dụng hai quả bom “Daisy Cutter”. Bom Daisy Cutter thực sự dùng để phá rừng, sửa soạn bãi đáp trực thăng cho một số quân cở Trung Đoàn, cho nên từ trước đến nay, QLVNCH chưa bao giờ xử dụng đến. Kết quả hai trái bom “Daisy Cutter” đã loại khỏi vòng chiến 2 Sư Đoàn Cộng Quân (hơn 10,000 quân). Sau khi bị hai trái bom “Daisy Cutter” sát hại, Bắc Việt la hoảng phản đối, cho rằng B-52 của Hoa Kỳ đã trở lại…”
Theo Đại Tá Hoàng Đình Thọ, Trưởng Phòng 3/QĐ III cho biết “khu vực đánh bom là dọc theo QL20, phía Nam Kiệm Tân”. Theo Hànội thì khu vực bị đánh bom nằm giữa Biên Hòa và Xuân Lộc. Mục tiêu được lựa chọn để đánh bom là chỉ huy sở của sư đoàn 341/CSBV.
Theo quyển Hồi Ký “Chiến Đấu Đến Cùng” của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, TL/Lực Lượng Xung Kích QĐIII, nói ông đã cho lệnh đánh hai trái bom CBU-55. Đại Úy Chi Đoàn Trưởng thuộc CĐ315 Kỵ Binh cho rằng đã chứng kiến 2 trái bom rớt xuống khu vực ngã ba Dầu Giây. Nhưng theo kinh nghiệm của người viết, là Tiểu Đoàn Trưởng của đơn vị phòng thủ Núi Thị, chỉ cách ngã ba lối 7 cây số, thì nếu bom đánh ở khu vực Ngã Ba, căn cứ Núi Thị phải bị chấn động. Và nhất là Đại Đội 43 Trinh Sát của Trung Úy Khoát, hoạt động khu vực hướng Tây Nam Núi Ma, cách Ngã Ba lối 3 cây số mà không hề hay biết gì cả! Vậy có thể mục tiêu không phải là ngã ba Dầu Giây.
Ông Nguyễn Cao Kỳ trong quyển “Buddha’s Child” (My Fight To Save Vietnam) viết chung với Marvin J. Wolf, xuất bản May 2002, cũng tuyên bố chính ông cho lệnh đánh hai trái bom. Nhưng trong thời điểm đó, ông Kỳ chỉ là Tướng “không quân”, “ngồi chơi xơi nước”, không đảm trách một nhiệm vụ gì về Hành Chánh hay Quân Đội. Đã không chức, không quyền thì ông Kỳ ra lệnh được ai? Và ai dám thi hành lệnh của ông, dù ông là cựu Phó Tổng Thống, cựu Thủ Tướng, cựu Tư Lệnh Không Quân. Ở trang 331, ông Kỳ viết: “…One day Operations called to say that an enemy division (thật ra là 3 sư đoàn 6, 7 và 341) had encircled one of our bases. Our people asked for air support, but there were so many troops that only a cluster bomb would be of any use.
I had none on hand, so I asked the air force commander. He said that he had no authority to autorize their use. I asked the chief of the joint general staff; his answer was the same. I called several generals, and each said they had no authority. I knew that if I were to ask Thieu, he would have to consider his answer for a while, so I called the prime minister, Tran Thien Khiem.
“It’s up to you,” he replied after I had explained the situation. “Tell them that I’m okay with it.”
I called the chief of operations back and said, “Okay, use it.” He accepted my authority (ông Giám Đốc Trung Tâm Hành Quân này chắc phải ra Tòa Án Quân Sự!), and the resulting air strike was the last time we inflicted major casualies on the enemy”.
Theo Đại Tá Lê Xuân Hiếu, Chiến Đoàn Trưởng 43 nằm bên trong thị xã Xuân Lộc, hai trái bom được thả vào ban đêm. Ngay sau khi hai trái bom đã được thả, Đại Tá Trang, bạn cùng khóa Võ Bị, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn III, gọi cho ông hỏi có cảm nhận gì không? Đại Tá Hiếu cho biết, bom nổ đã gây chấn động mạnh, các ngọn đèn điện phụt tắt.
Về sự thiệt hại do hai trái bom gây ra thì có nhiều nguồn tin khác nhau. Từ con số vài trăm đến vài ngàn, thậm chí có tác giả đưa ra con số 10,000, và nói đã loại khỏi vòng chiến 2 Sư Đoàn CSBV! Nhưng nhiều người, kể cả Hànội, vẫn đồng ý mục tiêu là chỉ huy sở của Sư 341/CSBV, nơi tập trung nhiều xe tăng, bộ đội và hậu cần của chúng.
Trong một trận đánh tại mặt trận Trảng Bom vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, một sĩ quan cấp Tiểu Đoàn Trưởng của Sư đoàn 18BB bị bắt, được dẫn tới gặp tên E Trưởng (tức Trung Đoàn Trưởng), tên này nói: “May mắn cho anh là gặp chúng tôi, nếu anh gặp đơn vị kia (ý hắn muốn nói đơn vị bị thiệt hại nặng, hẳn là Sư 341) thì anh đã bị bắn chết tại chỗ!
Sau khi thả hai trái bom gây chấn động trong hàng ngũ CSBV, LL/XK/QĐIII của Tướng Khôi và Trung Đoàn 8 của Đại Tá Hùng vẫn tiếp tục đánh nhau với Cộng quân tại khu vực phía Tây ngã ba Dầu Giây cho đến khi Sư Đoàn 18BB có lệnh rút.
Tại căn cứ hỏa lực Núi Thị, hai chủ đồn điền cao su người Pháp, một của đồn điền Túc Trưng, và một là chủ đồn điền S.I.P., bị quân CSBV bắt giam đưa vào rừng mấy ngày, nhưng khi được xác nhận là Pháp kiều thì được thả. Họ đã đến trình diện vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng 2/43, và đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng.. Đặc biệt họ cho biết đã chứng kiến cảnh xe bò, xe trâu tản thương suốt cả một ngày và một đêm. Mỗi xe đều chồng chất lên nhau từ 3 đến 5 thương binh hay xác chết của Cộng quân. Phải chăng đó là những tổn thất của CSBV do hai trái bom BLU-82 gây ra.
Nếu Không Quân QLVNCH có đủ 6 ngòi nổ để đánh phủ đầu quân CSBV xâm lăng thì có lẽ tình thế đã đổi khác.
Sau khi chiếm được Phan Rang chiều ngày 16/4/75, Quân Đoàn Duyên Hải của Tướng Lê Trọng Tấn liền trực chỉ Xuân Lộc. Bộ đội của hắn đã xuất hiện ở Rừng Lá. Các đoàn convoy chở đầy bộ đội và tiếp liệu thì cứ phon phon chạy trên đường QL1. Chúng đã công khai ra mặt, không cần lén lút dấu diếm.
Nhưng người bạn Mỹ chỉ cần 2 trái để làm chậm bước tiến quân của bộ đội CSBV, hầu Đại Sứ Quán của họ có đủ thời gian sắp xếp cho việc di tản nhân viên và kiều dân Mỹ ra Hạm Đội 7 đang đậu ngoài khơi thành phố Vũng Tàu. Một trang sử mới đã lật qua nhẹ nhàng đối với người bạn một thời là đồng minh của VNCH. Ngày 26/4/1975, còn 4 ngày nữa Sàigòn mới thất thủ, nhưng tại New Orleans, Louisiana, trong một bài diễn văn, Tổng Thống Gerald R. Ford tuyên bố: “…the war was ‘finished as far as America is concerned.’”
Michigan, Ngày Quốc Hận 30/4 lần thứ 33.
BẢO ĐỊNH
(Xuân Lộc, Trận Chiến Cuối Cùng mà tôi biết)