“Ngày mai đi nhận xác chồng”, lời ca của một bài hát nghe não nề và bi thảm làm sao! Nhưng người Góa phụ đó còn biết xác chồng của mình ở nơi mô để đi nhận. Người Góa phụ còn được người Chỉ huy Hậu cứ đơn vị của chồng giúp đở phương tiện, cho người hướng dẫn đến nơi chồng đang nằm nghỉ, có thể là tại một Quân Y viện, hay tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Nhưng người Góa phụ trong bài viết này không có được cái may mắn tối thiểu đó trong nỗi bất hạnh tối đa. Tuyết, Phu nhân của cố Thiếu tá Phạm Đình Huệ, Khóa 23 Võ Bị Đàlạt, Tiểu đoàn Phó TĐ2/43, SĐ18BB đã đi tìm xác chồng trong hoàn cảnh thật khắc nghiệt.
Sau ngày tan hàng 30/4/75 được vài ngày, trong lúc mọi người bồng bế nhau ra biển, tìm ghe thuyền để vượt biên , hay đi đường bộ qua Miên, qua Lào để xa lánh bọn cộng sản vô thần tàn bạo, thì người góa phụ trẻ, mới 26 tuổi đời, đã gởi lại hai đứa con thơ dại cho bà mẹ già chăm sóc; một mình nàng liều lĩnh từ Vũng tàu, một thành phố biển, đi lên núi, đi vào rừng để tìm xác chồng. Nàng đã đi một mình, đi đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Nơi đó hơn một tháng trước, chồng nàng cùng hơn 8o quân sĩ dưới quyền đã nằm xuống cho Tự Do, cho Độc Lập của Quê hương. Chồng nàng đã chiến đấu anh dũng, chống lại quân xâm lăng CSBV trong một trận chiến không cân sức. Nhưng trận chiến đã diễn ra thật khốc liệt. Con số thiệt hại cho cả hai bên thật cao. Bất hạnh thay, Quê hương không còn, chồng nàng cũng đã mất, sự hy sinh của Huệ, chồng nàng và các chiến hữu của chồng vào giờ thứ hai mươi lăm của cuộc chiến có oan uổng lắm không? Còn đối với nàng, đó là một sự mất mát quá to lớn!
BẢO ĐỊNH
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày đen tối nhất trong lịch sử của dân tộc Việt. Nhưng đối với Tuyết, một người vợ lính của Sư Đoàn 18BB còn có một ngày đen tối hơn, đó là ngày nàng nhận được hung tin: “Chúng tôi rất đau buồn xin báo tin: Đại úy Phạm Đình Huệ, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 2/43, SĐ18BB đã anh dũng hy sinh tại Mặt trận Định Quán vào lúc 6:00 giờ sáng ngày 19 tháng 3 năm 1975…”
Buổi sáng hôm đó, một buổi sáng mùa xuân rực rỡ. Ánh nắng lung linh nhảy múa trên những hàng cây trước nhà. Chim hót líu lo. Gió biển từng cơn thổi vào, xua đi cái nóng đang hâm dần thị xã, mang lại cái mát dễ chịu từ biển khơi. Không khí có vẻ thanh bình! Dù đất nước đang chiến tranh. Thị xã Vũng Tàu cách nơi chiến trận đang xảy ra chỉ vài giờ xe hơi. Nơi nào có đánh nhau, cứ việc đánh. Các thành phố vẫn là hậu phương tương đối an toàn và thanh bình. Cuộc chiến vẫn chưa tràn đến đây.
Trời đang đẹp, bổng nhiên tối sầm! Mây đen vần vũ, giông tố nổi lên. Từng cơn, từng cơn đổ ụp lên người nàng. Nàng choáng váng đến ngộp thở. Nàng bị quay cuồng trong cơn giông bão bất chợt. Thế là hết! Huệ đã ra đi không một lời từ giã. Huệ đã bỏ lại cho nàng hai đứa con thơ còn măng sữa: Tuấn, thằng con trai giống cha như đúc, chưa đầy hai tuổi, còn Hồng, đứa con gái giống mẹ, thì vừa mới chào đời được hơn tháng rưởi. Một cuộc tình quá ngắn ngủi. Ba năm của trăm năm cuộc đời. Nàng chưa được hưởng trọn vẹn những ngày hạnh phúc của lứa đôi, ngoài tuần trăng mật vội vàng tại Đàlạt. Hai vợ chồng nàng luôn luôn phải sống cách biệt như Ngưu lang Chức nữ. “Em hậu phương, còn anh nơi tiền tuyến”. Dầu sao thì những ngày chồng về phép là những ngày đẹp nhất trần gian. Nhưng những ngày phép qua mau. Ngay trong những ngày phép, sống hạnh phúc bên nàng, tâm tư của Huệ vẫn không rời đơn vị. Chàng yêu đơn vị như chính bản thân của chàng! Nàng cảm thấy chàng không hoàn toàn thuộc về nàng. Nhiều lần nàng tự hỏi, mình có ghen không?
Theo ngày tháng, cuộc chiến cứ lan tràn, ngày càng ác liệt. Ban đầu chiến trận còn ở xa, xảy ra trong rừng sâu, trên núi cao, hay tại một vùng quê hẻo lánh nào đó. Bây giờ thì chiến trận đã về đến thành phố. Một trận chiến không giới tuyến. Không còn nơi nào là Hậu phương yên ổn. Nhất là kể từ sau khi Hiệp định đình chiến Paris được ký kết. Mỹ rút hết quân đội về nước, giao lại cuộc chiến cho QLVNCH đảm nhiệm. Trước đây hơn nửa triệu quân đội đồng minh trực tiếp tham chiến với tiếp liệu dồi dào, và vũ khí hiện đại, vẫn còn bất phân thắng bại. Lúc này chỉ còn lại QLVNCH, dù là nói hơn một triệu quân, nhưng thực tế chỉ có 10 Sư đoàn Bộ binh tác chiến, hai Sư đoàn Tổng Trừ bị, các Liên đoàn BĐQ, và các đơn vị Địa Phương Quân. Tổng số lính cầm súng đánh nhau trực diện với quân CSBV có lẽ không quá 200 ngàn! Hai trăm ngàn trên một triệu quân! Một bộ máy quân sự quá cồng kềnh. Là kẻ hở cho những tên lính kiểng chui vào. Trong lúc đó, CSBV lợi dụng các điều khoản của Hiệp định ngừng bắn, chúng đã ồ ạt đưa người và vũ khí vào Nam, ngang nhiên đi qua vùng phi quân sự. Chúng xử dụng những đoàn convoy với những chiếc xe Molotova, xe Hồng kỳ hằng trăm chiếc nối đuôi nhau di chuyển trên đường Quốc lộ 1, không cần phải xử dụng con đường mòn Hồ Chí Minh vừa xa, vừa nguy hiểm.
Thi hành đúng đắn bản Hiệp định ngừng bắn Paris, QLVNCH chỉ được Mỹ viện trợ thay thế “một đổi một”. Chẳng những thế, người bạn Đồng minh còn hạn chế đủ thứ, từ trên 1 tỉ dollars còn 700 triệu, nhưng chỉ là chuẩn chi trên giấy tờ. Khi tình thế khẩn trương, Tổng Thống Thiệu xin viện trợ khẩn cấp 300 triệu cũng không có. Hai đối thủ trên đấu trường, một bên thì bị trói tay trói chân, còn một bên thì tha hồ tự do đấm đá. Sự thành bại đã thấy rõ.
Sau lần ngoại giao bóng bàn năm 1972, sau khi Tổng Thống Nixon của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ bay qua Bắc Kinh ngồi nhậu với Mao Xếnh Xáng của Tàu đỏ tại Trung Nam Hải, số phận của Miền Nam đã được định đoạt. Miền Nam Việt Nam bây giờ không còn là “Tiền đồn chống Cộng của Thế giới Tự Do” nữa. Chiến lược toàn cầu của người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã đạt được. Miền Nam Việt Nam không còn giá trị trên bàn cờ Quốc tế nữa. Bây giờ thì sống chết mặc bây, miễn thầy rút chân được ra khỏi vũng bùn an toàn và danh dự là được. Người khách không được mời, cứ ỷ thế giàu mạnh, ngang nhiên đến, rồi lại tỉnh bơ ra đi. Đau đớn thay cho thân phận của một nước nhược tiểu đã chọn lầm bạn. “Làm kẻ thù thì được kính nể hơn!” (Lời nhận định của Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu, sau khi Miền Nam Việt Nam bị Mỹ bỏ rơi và lọt vào tay bọn CSBV xâm lăng).
Biết rằng Miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng sản, thế đang yếu, lực đang tận, nhưng người lính VNCH vẫn giữ vững tay súng, ngày đêm xông pha chiến trận để ngăn chận bọn rợ Hồ, bảo vệ quê hương. Tháng 3, tháng 4 năm 1975, sau khi các tỉnh miền Trung lần lượt lọt vào tay bọn CSBV xâm lược, bàn cờ đã ngã ngũ, nhưng người lính Sư đoàn 18BB vẫn kiên cường chiến đấu, đã đánh những trận đánh để đời, đã lập được những chiến công vang dội khiến cho kẻ thù khiếp sợ, đồng minh phải nể phục. Tướng Homer Smith, Tùy viên Quốc Phòng Mỹ tại Sàigòn đã gửi cho Tướng George S. Brown, Tham mưu Trưởng Bộ Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ bức điện ca ngợi ý chí và tinh thần chiến đấu dũng cảm của QLVNCH, sau 5 ngày theo dõi trận chiến Xuân Lộc: “Sự chiến đấu anh hùng và dũng cảm của Quân đội Nam Việt Nam, kể cả Địa Phương Quân tỉnh Long Khánh, đã cho người ta thấy rõ tinh thần và khả năng chiến đấu của những người lính này giỏi hơn đối phương của họ rất nhiều…” Còn Lê Đức Thọ, tên Thái Thượng Hoàng của Triều đình đỏ Bắc Việt thì thú nhận: “…kết cục là anh em ta không đánh được Xuân Lộc, bị thương vong nặng, phải rút ra”. Nhưng chiến thắng nào cũng phải trả giá bằng những hy sinh mất mát. Và Huệ, người chồng kính yêu của nàng đã gục ngã ngay trong trận mở đầu cho trận chiến quyết định Xuân Lộc về sau, trên một cao điểm không tên, tại một cụm đồi phía Tây quận Định Quán. Quân CSBV với lực lượng một Sư đoàn tăng cường đã đè bẹp đơn vị của Huệ, chỉ là một Tiểu đoàn. Dù đã chiến đấu dũng mãnh, đã gây cho địch quân nhiều thiệt hại, nhưng sau hai ngày quần thảo trong điều kiện bất lợi, con số thương vong mỗi lúc càng lên cao, đạn dược hết, đành phải tan hàng rút chạy. Huệ và đồng đội, những người lính đã hy sinh trong trận chiến đành phải nằm lại chiến trường. Đây là nỗi đau của đơn vị khi lần đầu tiên phải rút chạy mà không mang theo được đồng đội thương vong.
Người vợ lính được tin chồng tử trận, nhưng không nhận được xác chồng. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau này!
Tình hình biến đổi mau lẹ. Toàn Miền Nam bị bọn CSBV xâm chiếm. Người người bỏ nước ra đi tìm TỰ DO. Một làn sóng vượt biên, vựơt biển rầm rộ. Không một người dân Miền Nam nào chịu sống dưới “Thiên Đường Cộng Sản”. “Nếu như cây cột đèn biết đi thì cũng bỏ nước ra đi tìm TỰ DO” (Quái kiệt Trần Văn Trạch trả lời cuộc phỏng vấn của Đài BBC).
Nhà Tuyết tại Vũng Tàu. Hạm đội 7 của Mỹ đang ở ngoài khơi, cách bờ biển chỉ 12 hải lý. Nhà chồng có mấy chiếc tàu đánh cá viễn duyên. Nàng có thể theo bà con vượt biển bất cứ lúc nào. Nhưng nàng đã ở lại. Nàng quyết định ở lại cho đến khi tìm được xác chồng.
Đã hơn 40 ngày kể từ khi Huệ trúng đạn quân thù, gục ngã trên chiến trường, thân xác chàng vẫn nằm cô đơn lạnh lẻo giữa chốn núi rừng âm u. Cứ nghĩ đến chàng mà lòng nàng nổi cơn đau từng đoạn. Tâm hồn nàng bấn loạn. Hình ảnh chàng khi ẩn khi hiện, đeo đuổi nàng cả trong giấc ngủ.
Mặt dầu chưa yên, trong cái tranh sáng tranh tối của cuộc chiến vừa dứt, tình hình bất ổn, nàng đã quyết định lên đường đi tìm chồng. Nói đúng hơn là đi tìm xác chồng. Nàng không có được cái may mắn “Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng”. Nàng phải đi tìm xác chồng. Nhưng biết tìm ở nơi mô? Nước Việt Nam Cộng Hòa không còn, QLVNCH không còn, đơn vị của chàng cũng đã rã ngũ. Biết hỏi ai, biết nhờ ai lúc này. Chung quanh nàng, bọn “cách mạng 30” lố nhố. Chúng tìm mọi cách để bắt chẹt, hăm dọa những người như nàng. Ngay cả bà con, cũng có một vài người ngoảnh mặt làm ngơ, sợ dính dáng đến “Ngụy Quân, Ngụy Quyền”. Đó là thói thường đen bạc ở đời:
“Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết tiền, hết bạc, hết ông tôi.”
(Nguyễn Bĩnh Khiêm)
Lòng nàng đã quyết, nhưng biết tìm ở nơi mô? Nàng chỉ nghe nói lại. Nàng chỉ biết một cách mơ hồ, là trên một cụm đồi hiu quạnh tại quận Định Quán thuộc tỉnh Long Khánh, gần QL20, con đường đi Đàlạt. Đây là con đường đã ghi dấu biết bao là kỷ niệm của một thời hạnh phúc. Chỉ mới ba năm trước đây, giờ đã thành dĩ vãng xa xăm!
Ngày đó, nàng là cô dâu trẻ, nhí nhảnh vừa mới về nhà chồng. Huệ, chồng nàng là một sĩ quan trẻ hào hùng, tốt nghiệp từ Trường Võ bị Quốc gia Đàlạt. Trong một thời gian ngắn, họ gặp nhau và yêu nhau, nhân những ngày Huệ bị thương tại mặt trận An Lộc, xuất viện về nhà dưỡng thương. Tình yêu đã đến rất nhanh. Họ đã bị tiếng sét ái tình, “coup de foudre”. Họ không có thời gian để “quen nhau mùa thu, thương nhau mùa đông, yêu nhau mùa xuân”. Những cuộc tình trong thời chiến không nên kéo dài lâu. “Yêu nhau đi, trời chiều hôm tối rồi!” Biết đâu một ngày nào đó chàng đi không trở lại. “Xưa nay chinh chiến mấy người đi trở lại”. Cũng có thể:
“Nhưng không chết người trai khói lửa,
Mà chết người em gái Hậu phương”
(Hữu Loan – Màu Tím Hoa Sim)
Bởi vì cuộc chiến không giới tuyến. Hậu phương đó, tiền tuyến đó. Tết Mậu Thân năm 1968, giặc vào tận đường phố Sàigòn, xâm nhập vào bên trong Tòa Đại sứ Mỹ. Thỉnh thoảng người dân Thủ đô cũng bị lãnh những trái đạn pháo kích của giặc Cộng.
Vì thế vừa gặp nhau, vừa quen nhau, họ đã yêu nhau, và quết định thành hôn ngay. Sau lễ cưới, họ đi hưởng tuần trăng mật ở Đàlạt. Đó là thời kỳ đẹp nhất mà họ có được trong cuộc sống lứa đôi của thời chinh chiến. Nhưng một tuần trăng mật tại Đàlạt nàng cũng không hưởng được trọn vẹn. Chỉ mới bước qua ngày thứ năm, chàng đã bảo nàng thu xếp hành trang trở lại Vũng Tàu, để chàng còn trở lại đơn vị. Chàng đã rút ngắn hai ngày phép. Tình yêu lứa đôi và tình yêu đơn vị, tình nào chàng cũng đặt nặng. Ngày xưa Từ Hải đang sống những ngày hạnh phúc với Kiều, nhưng:
“Nửa năm hương lửa đang nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”
(Nguyễn Du – Kim Vân Kiều)
Tâm trạng của Huệ, chồng nàng, cũng là tâm trạng của một quân nhân, tình đồng đội gắn bó, và cuộc sống hào hùng của người lính, làm chàng sớm từ giã gia đình trở lại chiến trường xưa. Nàng đau lắm, nhưng vì yêu chồng, nàng cắn răng âm thầm chịu đựng.
Dù tình hình còn lộn xộn, nhưng chí đã quyết, nàng bất kể hiểm nguy. Đâu đâu cũng là bóng dáng của những tên lính xâm lược với “đôi dép râu” bẩn thỉu, và sùm sụp trên đầu là “chiếc nón tai bèo”cố hữu của bọn bộ đội “Giãi Phóng Miền Nam”. Bộ đội “Giãi Phóng” Miền Nam, cái tên thật là mỉa mai. Nó chỉ là con đẻ của CSBV. Thật là một trò lừa bịp. Tất cả đều là bộ đội xâm lăng từ ngoài Bắc vào, được ăn mặt ngụy trang theo lối bộ đội “Giãi Phóng”. Chính ông Trương Như Tảng, một trí thức Miền Nam, ngây thơ theo cộng sản, được cử giữ chức Bộ Trưởng Tư Pháp của cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Ông ta là một nhà trí thức, làm Bộ Trưởng mà còn bị lừa. Khi được đứng chung trên khán đài tại Sàigòn với bọn đầu lĩnh Bắc Bộ Phủ ngày 15 tháng 5 năm 1975 để xem cuộc duyệt binh, biểu dương lực lượng của quân CSBV, ông ta hỏi Văn Tiến Dũng, tên Đại tướng CSBV, chỉ huy đoàn quân xâm lăng Miền Nam, một câu hỏi thật ngớ ngẫn: “Các sư đoàn của chúng ta đâu? Sư 1, 3, 5, 7, và 9 (ý của Tảng muốn hỏi các đơn vị bộ đội của Quân “Giãi Phóng”). Nhưng Dũng chỉ cười khẩy. Thật là tội nghiệp cho cái ngây thơ của Tảng. (A Viet Cong Memoir của Trương Như Tảng, trang 264, 265).
Bọn “cách mạng 30” đi lùng sục từng nhà dân. Dù ít có những hành động hãm hiếp, đốt nhà như các đạo quân xâm lăng viễn chinh ngày trước, nhưng những cảnh đánh đập, cướp bóc, giết người vô tội vạ, bằng những phiên tòa man rợ, mà chúng gọi là “Tòa án Nhân dân” đã diễn ra khắp nơi. Một vài nơi, chúng không cần tụ tập dân chúng để mở phiên tòa, mà một vài tên mang súng AK dài đến quá đầu gối, một số mang búa, xông vào nhà dân, bắt người dẫn ra đường rồi dùng búa đánh vào đầu cho chết ngay tại chỗ. Đó là trường hợp của Dư, bạn cùng đơn vị Sư đoàn 18BB của chồng, Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng TĐ1/43, sau ngày tan hàng về nhà ở Vũng Tàu. Xác người nằm ngổn ngang trên đường phố, trên ruộng đồng, trên các núi đồi còn nghi ngút dấu vết của đạn bom.
Vào một buổi sáng tháng 5 năm 1975, Tuyết gởi lại hai đứa con thơ cho người mẹ già chăm sóc, một mình rời thành phố biển Vũng Tàu, lên chiếc xe đò hiếm hoi, chật ních hành khách, đi Long Khánh. Nhưng xe phải ngừng lại cầu Cỏ May. Cây cầu đã bị đánh sập do phe ta hay phe địch? Muốn tiếp tục lộ trình, phải đi đò qua sông rồi đón một chiếc xe đò khác đi Long Thành. Để rồi từ đó, sẽ đón thêm nhiều loại xe khác đi Định Quán. Khi đã ngồi trên đò, chờ đò tách bến thì kìa một hành khách vội vã bước xuống. Nhưng người khách trẻ tuổi bị ngăn lại, người lái đò không cho bước xuống vì lý do không đủ tiền để trả tiền đò qua sông! Thấy tội nghiệp, nàng liền móc túi trả dùm người khách lạ! Khi đã an vị, người khách trẻ hướng tầm nhìn về người thiếu phụ đã ra ơn cho mình, định để nói vài lời cám ơn. Nhưng kìa, người khách nghĩ thầm, đây không phải là bà xã của Đại úy Huệ hay sao? Dù Bà Huệ đã cố ý chọn bận bộ bà ba cũ, bạc màu. Nhưng nét duyên dáng, trẻ trung, pha đượm vẻ mặt u sầu của người góa phụ không qua được cặp mắt của người lính trẻ từng phục vụ dưới quyền của Đại úy Huệ. Người khách trẻ tên Élain, Việt lai Pháp, người lính mang máy truyền tin cho Huệ suốt trong thời gian kể từ ngày Huệ giữ chức Tiểu đoàn phó TĐ2/43. Người chỉ huy và người lính mang máy truyền tin tuy hai mà một. Họ luôn luôn sát cánh bên nhau như hình với bóng. Đã vài lần Élain có dịp gặp người vợ của cấp chỉ huy mình đến đơn vị thăm chồng. Và Élain đã chứng kiến cảnh Huệ bị gục ngã trên miệng hố do một trái đạn 37ly của cộng quân bắn trúng ngay đầu. Huệ đã ra đi vội vã không một lời từ giã! Rồi cộng quân tràn ngập vị trí, những người lính còn sống sót vội lăn xuống chân đồi, lủi sâu trong cánh rừng rậm dưới thung lũng. Cố nhìn kỷ hơn nữa, người khách trẻ nói:
- Thưa cô, có phải là cô Huệ?
Đang lơ đãng nhìn trời nhìn nước với trăm mối tơ lòng ngổn ngang, nàng giật mình trả lời như cái máy:
- Vâng, tôi là Tuyết, vợ của Đại úy Huệ.
- Em là Élain đây, người lính mang máy truyền tin cho Đại úy. Cô không nhận ra em sao?
- À, chị nhớ ra rồi. Chú đi đâu đây?
- Em về nhà ở BàRịa, còn cô, cô đi đâu?
- Tôi đi tìm chồng, tìm Đại úy Huệ.
Một phút im lặng trôi qua, họ không nói với nhau lời nào nữa. Mỗi người sống với quá khứ của mình. Tuyết nhớ lại những ngày hạnh phúc của đời nàng khi có dịp ra đơn vị thăm chồng. Khi thì Bình Dương, khi thì Bình Tuy, khi thì Hậu Nghĩa, Long An, Tây Ninh, có khi tại căn cứ của Tiểu đoàn tại Núi Thị, Xuân Lộc. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của nàng và Huệ. Họ chỉ được hưởng những tháng ngày mật ngọt trong một thời gian ngắn ngủi: 3 năm! Ba năm của trăm năm của một kiếp người! Nhưng với Huệ thì 3 năm của 31 năm hưởng dương. Còn nàng thì sao? Ba năm hạnh phúc với 26 năm của đời người con gái. “Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều, Trời không cho được mấy, đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo”. Thật ra thì nàng không có mối tình nào để mang theo cả. Nàng chỉ có một mối tình, mối tình duy nhất, đó là tình yêu của nàng với Huệ để đi đến hôn nhân sau một thời gian ngắn tìm hiểu. Họ đã đến với nhau nhanh chóng, vội vàng. Họ như bị tiếng sét ái tình. Tiếng sét đã đưa họ lại gần nhau, không rời ra được. Nhưng Huệ, với cặp mắt đa tình, là một sĩ quan trẻ tuổi hào hoa, chắc chắn không thiếu gì những mối tình qua đường. Nhưng nàng biết, Huệ cũng đã từng thú nhận, đó chỉ là những mối tình chợt đến rồi lại chợt đi. Chỉ có mối tình với nàng là mối tình thủy chung, mối tình vĩnh cữu. Không vĩnh cữu sao được khi bây giờ Huệ đã nằm xuống, Huệ đã đi về nước Thiêng Đàng, nơi đó chỉ còn lại một mối tình duy nhất là tình yêu của Chúa. Và nàng, một mình trên cỏi đời này. Nàng đã yêu Huệ, ngoài Huệ, nàng chưa hề yêu ai. Nói thế không có nghĩa không có những chàng trai theo đuổi nàng. Họ gồm đủ thành phần, đủ Hải, Lục, Không quân và dân sự. Nhưng nàng đã chọn Huệ, người lính Bộ Binh của đơn vị anh hùng Sư đoàn 18. Bây giờ Huệ đã ra đi, Huệ đã mang đi tất cả. Nàng nghĩ nàng sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến ai. Mặc dù tuổi đời nàng còn quá trẻ. Người góa phụ 26 xuân xanh! Điều bây giờ nàng bận tâm và suy nghĩ nhiều nhất là làm sao nuôi nấng hai con nên người. Đó là chút kỹ niệm còn lại của nàng và Huệ.
Élain, người lính mang hai giòng máu Pháp – Việt, nhưng Élain đã yêu quê hương mẹ đẻ hơn tất cả. Là con của một gia đình nghèo, cha không có, đáng lý làm lính Nghĩa Quân hay Địa Phương Quân để được gần nhà, nhưng Élain đã tình nguyện vào lính sớm, được đưa về Sư Đoàn 18BB, được làm người lính mang máy truyền tin cho Đại úy Huệ. Hai thầy trò đã theo sát nhau từ lâu nay, trải qua nhiều trận chiến trên khắp lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật. Élain đã chứng kiến giây phút cuối cùng của Huệ. Ông thầy khả kính của người lính trẻ đã gục ngã không một lời trối trăn. Cuốn phim dĩ vãng quay nhanh trong đầu, nhưng người lính không dám nói ra. Đã nhiều lần ngập ngừng muốn kể câu chuyện, nhưng lại thôi, nhất là khi cô Tuyết còn nuôi một hy vọng hão, rất mỏng manh, không thực tế, là biết đâu Huệ còn sống. Có thể Huệ bị bắt làm tù binh, có thể Huệ bị thương rồi trốn tránh ở một khu rừng nào đó đang đợi chờ đồng đội đến tiếp cứu! Hy vọng hão huyền, nhưng quyết liệt của cô Tuyết về người chồng, làm người lính đâm nghi ngờ cặp mắt và trí nhớ của mình. Hay mình nhớ lộn! Biết đâu Đại úy còn sống! Chỉ bị thương rồi ngất đi mà thôi. Rồi VC tràn ngập ngọn đồi, mình lăng xuống thung lũng trốn chạy. Mong rằng mình nhớ lộn.
Phá tan bầu không khí nặng nề, Élain nói:
- Đường lên Định Quán còn xa lắm, phải đổi nhiều chuyến xe, trời bây giờ đã quá trưa. Nếu cô đi kịp đến đó thì trời cũng đã chiều. Cô một mình đi vào vùng đất lạ. Cô không biết ngọn núi đồi nào là nơi xảy ra trận chiến thì làm sao cô có thể tìm được Đại úy. Hay là cô ghé lại nhà em ở Bàrịa nghỉ qua đêm rồi sáng mai đi sớm.
Lời đề nghị của người lính trẻ nàng nghe thấy có lý, nên khi xe đến Bàrịa, nàng đã theo Élain vào nhà. Nàng gặp ở đây vợ con của người lính và bà mẹ. Họ rất quý mến nàng khi biết nàng là vợ của người chỉ huy của chồng, của con mình. Họ vội vàng nấu cơm mời nàng ăn, thăm hỏi đủ thứ. Khi cơm dọn ra, nàng cùng bà mẹ và vợ con Élain ăn, nhưng không thấy bóng dáng của người lính đâu. Nàng đang phân vân tự hỏi. Nhưng rồi Élain xuất hiện, từ đâu vội vã vào nhà, liền khoe:
- Em đến trụ sở ủy ban xin giấy đi đường. Họ đồng ý cho em. Ngày mai em sẽ đi với cô tìm Đại úy.
Còn nỗi vui, niềm hạnh phúc nào hơn nỗi vui, niềm hạnh phúc này? Thế là nàng đã có bạn đồng hành, người bạn lại biết rõ nơi xảy ra chiến trận. “Lạy Chúa, cám ơn Chúa toàn năng đã đưa đến cho con người dẫn đường đáng tin cậy này”. Nàng lẩm bẩm tạ ơn Chúa. Sau đó nàng quyết định trở lại Vũng Tàu, thu vét thêm một ít tiền bạc cho chuyến đi ngày mai.
Trên đường trở lại Vũng Tàu, khi đợi đò qua sông tại cầu Cỏ May, tình cờ nàng gặp Thu, một người em bà con của Huệ. Thu phục vụ trong Quân chủng Hải quân. Đáng lẽ Thu đã theo Hạm đội, di tản ra khơi, qua Phi Luật Tân. Nhưng Thu không muốn đi một mình, và đã ở lại đi tìm vợ con. Tình cờ gặp chị Tuyết ở đây, khi biết câu chuyện, Thu quyết định ngày hôm sau sẽ cùng đi tìm Huệ. Lại một lần nữa Tuyết lầm rầm cảm tạ ơn Chúa: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã đưa đến cho con thêm một người dẫn đường đường rất tin cậy nữa, để cùng con đi tìm chồng”.
Ngày hôm sau, họ gồm ba người, nôn nóng chen chúc trên các chuyến xe đi từng chặng một, hướng về Định Quán, để đi tìm xác người thân.
Ra đi từ sáng sớm, sau nhiều lần đổi xe vất vả, cuối cùng họ đã đến được Định Quán. Trời đã xế chiều. Gần một ngày để vượt đi trên một trăm cây số đường. Họ vội vàng xuống xe, cả ba đi tìm kiếm Huệ. Mặt dù đã chứng kiến giây phút cuối cùng của Đại úy Huệ, biết rõ khu vực xảy ra trận chiến, nhưng Élain và Thu vẫn cứ lẽo đẽo theo Tuyết. Hai chàng thanh niên không nói một lời, cứ đi theo, để cho Tuyết sống thêm một chút hy vọng. Dù là hy vọng hão. Nhưng thà cứ để cho Tuyết sống trong hy vọng hão huyền thêm được chút nào hay chút đó. Élain và Thu không biết họ làm như vậy là đúng hay sai? Nhưng họ không dám đột ngột cắt đứt niềm hy vọng còn sót lại của Tuyết. Sống là hy vọng. Họ đi từ trại tù này đến trại tù khác hỏi thăm tin tức Huệ. Những người lính oai hùng của QLVNCH ngày nào, bây giờ chỉ là những tên tù khốn khổ, lao dịch nặng nhọc để thu dọn tàn cuộc của chiến tranh. Có những người tù bị banh xác khi dẩm phải những trái mìn hay lựu đạn gài còn sót lại. Cuộc chiến chấm dứt, họ bị bắt làm tù binh, nhưng kẻ chiến thắng không coi họ là tù binh để được đối xử theo Qui ước Genève về tù binh. Họ bị liệt vào hạng tội phạm, tội phạm chiến tranh! Tội phản cách mạng! Họ bị kẻ chiến thắng xem như những con vật, những con vật biết lao động để làm ra của cải vật chất cho chúng. Chỉ mới hơn một tháng mà trông họ thảm thương, rách rưới, bẩn thỉu, như những kẻ ăn mày. Còn thua cả ăn mày. Đoàn tù trở về trại. Trông họ như những bóng ma chập chờn di chuyển. Gặp ai Tuyết cũng hỏi tin tức về Huệ, nhưng nàng chỉ được đáp lại bằng những cái lắc đầu. Họ không nói. Họ đã câm! Cộng sản làm cho họ câm! Nàng đâu biết tù không không được tiếp xúc hay chuyện trò với bên ngoài, ngay cả cùng tù với nhau cũng không được chuyện trò!
Một ngày trôi qua. Mặt trời sắp lặn, sắp khuất sau dãy đồi hướng Tây. Nơi đó, có lẽ là nơi Huệ đang yên nghỉ. Bóng đêm đến nhanh nơi vùng rừng núi. Họ tìm chỗ nghỉ. Họ đi đến một nhà thờ, xin cha xứ giúp đở cho ngủ qua đêm. Cha không dám chứa trong nhà thờ. Thời buổi khó khăn. Tôn giáo là kẻ thù của cộng sản. Lenin, tên trùm cộng sản từng nói: “Tôn giáo là thuốc phiện”. Nhất là Công giáo thì lại càng tối kỵ hơn. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, các xứ đạo là những đồn lũy chống cộng mạnh mẽ nhất. Điển hình là các xứ Bùi Chu, Phát Diệm, và vụ Quỳnh Lưu, Ba Làng khởi nghĩa hồi mới ký Hiệp định đình chiến Genève năm 1954. Nói thế không có nghĩa là không có những cha cố thân cộng như Linh mục hốt rác Phan Khắc Từ, Linh mục Chân Tín, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan,…Cha giới thiệu họ đến ở trọ nhà của một giáo dân gần đó.
Trong ngôi nhà tranh chật hẹp của một giáo dân, họ đã nghỉ qua đêm bình yên. Người chủ nhà, một bà lão ngoài 60 tuổi cho Tuyết biết:
- Tôi có nghe ông chỉ huy nằm chết trên một ngọn đồi. Lính và dân chạy loạn chết nhiều lắm, rải rát từ đây và vào sâu bên trong. VC đang dùng xe ủi đất, ủi xác chết đem chôn vào các hố chôn tập thể. Sáng mai cháu phải vào đó tìm gấp, may ra thì còn.
Suốt đêm nàng không hề chợp mắt, miệng không ngớt cầu cứu Chúa, cầu cứu Đức Mẹ Đồng Trinh hằng cứu giúp. Nàng cầu xin Chúa, cầu xin Đức Mẹ giúp nàng tìm được xác chồng. Mặc dù bây giờ nàng vẫn chưa tìm được xác chồng, nhưng qua lời bà già chủ nhà, và những sự kiện đơn vị Huệ đã làm cho Huệ như truy thăng Huệ lên cố Thiếu tá, truy tặng Huệ “Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẵng kèm Anh Dũng Bội Tinh với Ngành Dương Liểu”, đặt tên căn cứ của Tiểu đoàn tại Núi Thị, một cao điểm quân sự nằm cách xa thị xã Xuân Lộc lối 3 cây số về hướng Tây, trên QL1, là “Trại PHẠM ĐÌNH HUỆ”, vậy thì ông chỉ huy nằm chết trên ngọn đồi đó nhất định phải là Huệ. Tiểu đoàn có hai ông chỉ huy. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng vẫn còn sống sót, thì ông chỉ huy nằm chết trên ngọn đồi kia nhất định phải là Huệ, chồng nàng rồi. Bây giờ không tin cũng không được. Trước đây nàng đã nhất quyết khi chưa thấy xác Huệ thì Huệ vẫn chưa chết. Và nàng đã bỏ phí cả một buổi chiều hiếm hoi để đi tìm Huệ trong các trại tù với hy vọng hão.
Trời chưa sáng, nàng đã thức dậy. Thật ra nàng đâu có ngủ để mà thức! Nàng chỉ nằm xuống trên chiếc chỏng tre duy nhất mà bà già chủ nhà nhường cho nàng để nghỉ lưng vì thấy nàng quá mệt mỏi. Nàng nằm xuống, nhắm mắt để đó, nhưng đầu óc quay cuồng, suy nghĩ mông lung. Lúc gần sáng, vì mỏi mệt quá, từ thể xác đến tâm thần, nàng thiếp đi được một lúc, nhưng bị đánh thức trở dậy bởi tiếng xe bò lóc cóc, và tiếng người gọi nhau ơi ới ngoài đường. Đợi trời sáng hẳn, nàng bảo Élain và Thu cứ nằm nghỉ trong lúc đợi nàng ra Ủy ban Xã xin phép vào rừng tìm xác chồng. Trụ sở Ủy ban nằm ngay trung tâm thị trấn, nơi có những hòn đá khổng lồ chồng lên nhau. Nàng nghĩ đến sự kỳ diệu của tạo hóa. Những phiến đá khổng lồ, nặng cả tấn, chồng lên nhau, chênh vênh trên sườn đồi, trông giống như đồ chơi của trẻ con. Trông chênh vênh, nhưng rất vững chắc. Những phiến đá đã trải qua năm này tháng nọ, từ thuở nào đến giờ mà không đổ! Sự kỳ diệu đó của đấng tạo hóa cũng đang xảy ra cho chính đời nàng. Nếu cầu Cỏ May không bị giật sập, nàng không có dịp gặp Élain, người lính thân cận của Huệ biết rỏ nơi Huệ gục ngã, và nàng cũng không có dịp gặp Thu, em bà con của chồng để cùng nàng đi tìm Huệ.
Khi quyết định đi tìm xác Huệ, vì yêu chồng, nàng đã liều lĩnh hành động không kể gì nguy hiểm hay hậu quả tai hại. Nàng đã hành động một mình, dù mẹ nàng, các em nàng, cha mẹ chồng, anh em chồng, ngăn cản thế nào, nàng cũng để ngoài tai. Bây giờ nghĩ lại, thấy những trắc trở, gian nan đã qua mà sợ. Nàng chợt rùng mình. Rùng mình vì cái lạnh của buổi sáng sớm nơi vùng rừng núi, hay vì những trở ngại mà nàng sắp phải đương đầu? “Lạy Chúa Toàn Năng, xin Người hãy phù hộ con như Người đã dẫn dắt Élain và Thu đến với con để cùng con đi tìm xác Huệ trong chuyến đi gian nan đầy trắc trở này. Con không biết phải xoay xở làm sao nếu con chỉ ra đi một mình! Con cám ơn Chúa, cám ơm Đức Mẹ Maria”. Nàng vừa đi, vừa lầm rầm khấn nguyện.
Nàng đã đến trước mặt của trụ sở Ủy ban Xã. Đó là tòa nhà to và lớn. Có lẻ trước đây là Quận đường của Quận Định Quán. Đây là nơi trước đây hơn một tháng, chồng nàng và vị Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng đã đến viếng thăm xã giao vị Quân trưởng sở tại, Thiếu tá Chánh, khi Tiểu đoàn vừa từ Xuân Lộc hành quân đến đây vào buổi chiều với nhiệm vụ tăng cường bảo vệ Quận, một điểm chiến thuật quan trọng bảo vệ Thủ đô Sàgòn từ xa, ngăn chặn quân CSBV tràn xuống từ Cao Nguyên trên QL20. Nhưng nhiệm vụ đã không hoàn thành khi cộng quân đã xử dụng một lực lượng áp đảo để cố tiêu diệt điểm then chốt là Định Quán hầu mở đường cho việc tấn chiếm Xuân Lộc và Sàigòn sau này.
Mặt trời đã lên cao, nhưng tòa nhà trụ sở vẫn chưa mở cửa. Một vài tên du kích mặt mày non choẹt, làn da bủng xì, thân hình khẳng khiu, di động bên trong bộ quân phục màu xanh bạc màu với chiếc nón tai bèo lụp xụp trên đầu, mang khẩu súng AK dài đến tận đầu gối! Gần 9 giờ sáng, hai tên cán bộ VC, một già, một trẻ, từ một quán cốc bên đường bước vào trụ sở. Những tên du kích vội vàng mở toang những cánh cửa chính. Có lẻ đây là những tên chức sắc trong Ủy ban. Nàng thầm nghĩ và rụt rè tiến đến gần họ:
- Chị kia đi đâu? Tên VC già hất hàm hỏi một cách hách dịch.
- Dạ thưa ông Ủy ban, xin cấp phép cho tôi đi tìm xác chồng. Nàng nói chậm rãi.
- Chồng chị là ai? Chết ở đâu?
- Dạ, chồng tôi là Đại úy Huệ, nằm chết trên một ngọn đồi phía Tây trong trận đánh vừa qua, cách đây hơn một tháng.
- À, cái tên chỉ huy ác ôn ngoan cố! Không được. Chị hãy về đi. Hắn là tên ngoan cố. Hắn đã chống phá điên cuồng với quân cách mạng. Đồ phản cách mạng! Giờ hắn đã đền tội. Hãy để đó cho Đảng và Nhân dân trừng trị! Tôi không cho phép chị mang xác hắn về. Chị hãy đi đi.
- Dạ thưa ông Ủy ban, nghĩa tử là nghĩa tận. Chồng tôi lúc còn sống là đối đầu với các ông, bởi vì chồng tôi ở bên phe đối đầu với phe các ông. Nhưng bây giờ chồng tôi đã chết. Người chết là hết. Không còn thù, không còn oán, cũng không còn nguy hiểm cho các ông. Xin các ông cho phép tôi mang xác anh ấy về chôn cất tử tế để đở tủi vong linh người quá cố. Xin các ông thông cảm.
Một phút im lặng trôi qua. Hai tên cán bộ VC vừa đi vào bên trong tòa nhà vừa thì thầm bàn tán, mặc cho nàng đứng trơ một mình ở giữa sân. Tên VC già liết mắt nhìn nàng, hất hàm hỏi tên đồng chí VC của hắn:
- Đồng chí thư ký thấy con vợ tên “Đại úy Ngụy” thế nào?
- Dạ, thật đáng thương!
- Thế là đồng chí đã đánh mất lập trường rồi, hãy coi chừng! Nhưng ý tôi không phải muốn hỏi như thế.
- Dạ.
Chúng thủng thẳng đi vào bên trong trụ sở. Tên VC già với tay cầm cái điếu cày, nhét thuốc lào vào, xè một mảnh giấy nhỏ, mồi lửa từ một ngọn đèn dầu trên bàn, châm lửa vào nỏ, rít một hơi dài. Một cái rít mạnh, nghe rợn người như tiếng xe tăng 54 gầm rú. Một làn khói nhả ra. Hắn mơ mơ màng màng như người say thuốc, hay hắn đang nghĩ đến một điều gì? Tên VC trẻ vội viết vài giòng cho phép trên một tờ giấy học trò, chìa tờ giấy cho tên VC già ký tên, hấp tấp tìm con dấu đóng lên tờ giấy, để làm lá bùa hộ mạng cho nàng.
Nàng không biết phải làm gì, đành im lặng đứng chờ. Một lúc sau tên cán bộ trẻ bước ra, trên tay cầm một tờ giấy với những hàng chữ xiêu vẹo như người mới tập viết: “Ủy ban Cách mạng Xã…Cho phép người cầm giấy này được bốc xác về quê”. Bên dưới tờ giấy có đóng con dấu đỏ với ngôi sao 5 cánh. Hắn vội trao cho Tuyết và nói:
- Chị hãy nhanh chân đi vào dãy đồi hướng Tây tìm xác của anh ấy đi. May ra thì còn. Từ mấy ngày nay, những xác người vô thừa nhận đã bị lùa xuống một hố chôn tập thể. Đã lâu rồi không ai đến nhận, chị là người đầu tiên. Nếu tìm được thì hãy mau mau đem về nhà chôn, khỏi cần trở lại đây báo cáo. Chị hãy đi liền đi, nếu không sợ không kịp, hắn bỏ lửng không nói tiếp. Chúc chị may mắn!
Người cán bộ trẻ ăn nói nhỏ nhẹ, giọng thương cảm, không có cái vẻ hằn học căm thù như tên cán bộ già, một thứ răng đen mã tấu, tập kết ra Bắc, mới hồi kết theo đoàn quân chiến thắng, làm Chủ tịch Xã, rất hiếu sát, và hiếu sắc.
Tuyết vội vàng rời trụ sở Ủy ban, vừa đi vừa chạy như sợ tên cán bộ già ra lấy lại tờ giấy. Tờ giấy bây giờ là tấm bùa hộ mệnh của nàng.
Về đến nhà trọ, nàng đã thấy Élain và Thu đang lóng ngóng chờ. Ngay cả bà già cũng đưa đôi mắt hỏi thăm kết quả.
- Chúng ta lên đường, chị đã xin được giấy phép.
Cả ba từ giã người chủ nhà tốt bụng, hấp tấp đi vào rừng.
Nắng đã lên cao. Bây giờ mới là đầu mùa hè, nhưng tiết trời đã oi ả. Con đường mòn dẫn vào khu rừng núi cỏ hai bên đường cao đến đầu gối, lan ra cả lối đi. Mùi khói lửa chiến tranh vẫn còn đượm nét. Cây cối gãy đổ, núi đồi lở loét. Mùi tử khí xông lên nồng nặc. Đó đây nằm rải rác các bộ xương khô, lính có, thường dân có. Đó là những xác người vô thừa nhận. Quê quán họ ở đâu? Thân nhân họ có biết? Những thân xác này đang trở về với cát bụi, đang đợi chờ để được lùa vào một hố chôn tập thể. Ôi! Chiến tranh sao mà buồn vậy.
Nàng đi như vậy giữa vùng đồi núi hoang vu còn mang nặng dấu vết của trận chiến đẩm máu. Đâu đâu nàng cũng nhìn thấy những xác chết và cảnh hoang tàn của chiến tranh. Cứ mỗi lần nhìn thấy một thây người bên đường hay trong bụi cây, nàng vội chạy đến lật xác lên nhìn mặt. Ngay cả những xác dân thường, nàng cũng làm vậy mặc dù biết rằng chồng nàng khi chết đang bận bộ quân phục. Với đôi bàn chân đất từng quen mang dày dép, sỏi đá và cỏ gai tha hồ cứa da thịt nàng rướm máu. Nhưng nàng vẫn không cảm thấy đau. Vết cắt trong lòng, trong quả tim rướm máu mới làm nàng nhứt nhối ngộp thở. Đã mấy tiếng đồng hồ, nàng như người mộng du. Nàng im lặng, chân bước đi như người vô hồn.
Trời đã quá trưa, nàng ngồi nghỉ dưới bóng mát của một bụi cây bên đường sau khi lật thêm một cái xác nằm bên cạnh: vẫn không phải là xác của Huệ, không phải xác chồng. Élain và Thu vẫn lẻo đẻo theo nàng. Mặc dù chỉ mới hơn một tháng trước đây, người lính trẻ và Huệ cùng đồng đội quần thảo với cộng quân mấy ngày đêm trên các ngọn đồi này. Nhưng giờ đây cỏ mọc um tùm, một số ngọn đồi bị ủi trọc, Élain không xác định được đâu là vị trí Huệ nằm xuống. Mệt mỏi, ngồi tựa lưng vào một gốc cây, nhắm mắt khấn nguyện thì thầm, hai tay nàng vẫn xoa xoa những vết xước trên đôi bàn chân rướm máu một cách vô thức: “Anh Huệ, anh là một sĩ quan trẻ, đẹp trai, hào hùng. Lúc còn sống đã có biết bao là cô gái mê anh, đeo đuổi anh, muốn làm người tình của anh, dù chỉ là người tình trong chốc lát. Chính em cũng bị đôi mắt đa tình của anh thu hút, dù biết rằng trước em, anh cũng đã có nhiều mối tình. Nhưng em không ghen, bởi vì em biết kể từ ngày chúng ta quen nhau, thương nhau để rồi yêu nhau, trong anh chỉ có em, và trong em chỉ có anh. Nhưng Élain cho em biết, cái tính bay bướm của anh đã trải dài trên bước đường hành quân của anh. Em đã nói không ghen bởi vì em yêu anh, em tin anh. Nhưng nếu em có ghen thì cũng chỉ là thường tình, phải không anh? Hoạn Thư, người đàn bà ghen đã hành hạ Kiều rất tàn nhẫn. Đến khi được dịp trả thù, những tưởng Kiều sẽ vằm bà ta ra trăm mảnh, nhưng chỉ một câu nói, Kiều đã tha bổng cho bà ta:
“Rằng tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuôn thì cũng người ta thường tình”
(Kiều – Nguyễn Du)
Em không ghen, nhưng thử hỏi có người tình nào của anh vượt muôn ngàn nguy hiểm, lặn lội đi tìm anh như em. Nhưng đã quá nửa ngày, em đã lật hằng bao nhiêu xác chết vẫn không tìm thấy anh. Bây giờ em sẽ đi thêm một tiếng đồng hồ nữa để tìm xác anh. Nếu anh ở trên trời có linh thiêng thì hãy mau mau dẫn dắt em tìm gặp xác anh. Em đã mỏi mệt quá rồi. Có lẻ em phải bỏ cuộc để quay trở về với con của chúng ta đang chờ ở nhà. Chúng đang khát sữa. Em phải nuôi con bằng sữa mẹ, bởi vì em không đủ tiền để mua sữa bò cho con. Những ngày này mẹ ở nhà phải nấu cháo lỏng cho con ăn thay sữa”.
Lầm rầm khấn nguyện xong, nàng gượng đứng lên tiếp tục đi. Hai ba lần cố gượng đứng lên, nàng vẫn không thể nào đứng lên được. Nàng đứng lên rồi lại ngả xuống. Cái nóng oi bức của mùa hè nơi vùng rừng núi nồng nặc mùi tử khí, cùng mấy đêm liền mất ngủ làm cho nàng choáng váng, ngất ngưởng và kiệt sức. Thêm vào đó tinh thần sa sút, tuyệt vọng làm cho nàng ngã quỵ. Élain và Thu phải đở nàng đứng dậy. Họ cố gượng tiếp tục đi mệt mỏi, thân xác rã rời. Mọi hy vọng đã tiêu tan. Đi qua những ngọn đồi đã bị ủi trọc, mặc dù xe ủi đã làm việc, nhưng xác người còn vương vãi. Những thân xác vô thừa nhận đó không những chỉ xác lính, xác lính cộng hòa và xác lính cộng sản, mà còn cả xác thường dân. Họ phân biệt được là nhờ những bộ quân phục còn mặt trên người, hay những bộ áo quần dân dã. Xác người đã bị lùa xuống hố. Càng về chiều, hy vọng càng tiêu tan. Nhưng họ vẫn cố tìm kiếm trong vô vọng. Họ đi đến chân một ngọn đồi chưa bị ủi, định bụng đây là ngọn đồi chót, nếu không tìm thấy thì cũng đành phải bỏ cuộc. Bỏ cuộc vì không tìm thấy xác biết đâu lại là điều hay. Tuyết lại có thể nuôi thêm hy vọng hão. Sống là phải hy vọng. Lắm lúc hy vọng không thực tế. Nhưng vẫn còn hơn là sống trong tuyệt vọng triền miên. Nàng đã tự nhủ thầm là nếu chưa tìm thấy xác chồng thì chồng nàng vẫn còn sống. Có thể Élain lầm, đơn vị báo cáo lầm. Trong chiến tranh chuyện lầm lẫn là bình thường. Hồi ở mặt trận An Lộc, khi Huệ còn làm Đại đội trưởng, trong một trận đánh, một người Hạ sĩ của Đại đôi Huệ tử thương, nhưng khi gửi báo cáo tổn thất về Hậu cứ, người lính truyền tin đánh mật mã thế nào lại ra tên người Hạ sĩ khác, để rồi hai người vợ lính an ủi qua lại rất là trớ trêu. Cũng có trường hợp người lính được ghi nhận là chết, là mất tích, đã được làm lễ truy thăng truy tặng. Rồi đột ngột, người lính trở về nhà đã nhìn thấy hình ảnh mình trên bàn thờ và được thăng một cấp!
Họ chầm chậm leo lên ngọn đồi một cách mệt nhọc, và cầu may. Nhưng như một phép lạ, trước mặt họ, một khối đen nằm bất động trong tư thế nghiêng nghiêng. Cỏ non mọc che lấp cả thân người. Chung quanh cũng có nhiều bộ xương trắng hếu rải rác. Như một linh tính, nàng chạy vội đến. Huệ, đúng là Huệ của nàng rồi. Huệ nằm trong tư thế của người nằm ngủ, dáng suy tư, cô đơn. May mà đây là ngọn đồi duy nhất còn sót lại chưa bị ủi. Những tiếng khóc, những tiếng kêu gào thảm thiết. Élain và Thu cũng không ngăn được những giòng nước mắt như giòng suối cứ tuôn chảy. Đôi mắt chàng, đôi mắt đa tình đã từng làm chết mê chết mệt biết bao cô gái, dĩ nhiên, có nàng; giờ chỉ còn là hai hố sâu đen ngòm. Chiếc đồng hồ đeo tay của Huệ không còn. Chiếc đồng hồ kỹ niệm của một thời ân ái. Trước khi trở lại đơn vị sau tuần trăng mật tại thành phố mù sương Đàlạt, nàng đã chọn mua cho chồng chiếc đồng hồ ưng ý nhất. Và chiếc đồng hồ đó đã không bao giờ rời tay Huệ, nó khắn khít keo sơn, theo chàng trên những nẻo đường hành quân. Nhưng lạ thay, sợi dây chuyền vàng với cây Thánh giá đeo nơi cổ vẫn còn nguyên vẹn. Túi quần sau của chàng với chiếc ví đựng tiền vẫn còn. Nhưng không có đồng nào. “Tiền lính tính liền” mà! Hôm Huệ chết là sáng sớm ngày 19. Theo thông lệ, ngày 21 mới là ngày phát lương, nên ví chàng không còn đồng nào là phải. Nhưng chiếc ảnh bán thân của nàng được Huệ bọc plastic cẩn thận vẫn còn đó. Ảnh nàng đang âu yếm mĩm cười nhìn chàng! Nó đã theo sát chàng như hình với bóng.
Sau một lúc xúc động, sau những tiếng kêu gào thảm thiết của người vợ mất chồng, người em mất anh, người lính đệ tử mất ông thầy khả kính, họ không khóc nữa, vài phút im lặng trôi qua. Lấy tay lau khô nước mắt, nhưng nước mắt vẫn tuôn chảy, Tuyết ngẩng mặt nhìn Thu và Élain, móc ví đưa họ 20 ngàn đồng bảo ra thị trấn tìm mua chiếc hòm, và mướn xe bò vào kéo ra. Nhưng hai người lính trẻ không dám để Tuyết ở lại một mình, sợ nguy hiểm. Trời đã về chiều. Từ đây ra thị trấn rồi đi vào cũng mất mấy tiếng đồng hồ, chưa nói đến chuyện đi tìm mua hòm và thuê xe bò. Không còn cách nào khác, họ cùng nhau trở ra thị trấn. Nàng rời xác chàng với một tâm trạng rối bời. Sợ mưa gió làm thấm ướt, làm lạnh xác chàng. Sợ đêm đến thú rừng ra mang xác chàng đi. Nàng sợ mất xác chàng! Đã bao nhiêu ngày trằn trọc không ngủ được, chỉ mong được phút giây này. Nàng không nỡ đành đoạn bỏ lại xác chàng một mình. Nàng muốn ở lại bên xác chàng cho đến ngày hôm sau. Nhưng trời đã nhá nhem tối, họ không thể ở lại trong khu rừng, lại càng không thể để cho nàng ở lại một mình. Họ phải ra thị trấn, họ phải mua được hòm, họ phải mướn xe bò vào đưa xác ra. Cuối cùng, đành phải để Huệ một mình nằm cô đơn lạnh lẻo thêm một đêm nữa.
Cuộc chiến đã tàn, đạn bom không còn nổ, không còn giờ giới nghiêm, nhưng người dân nơi thị trấn xa xôi hẻo lánh này vẫn quen đi ngủ sớm. Một vài nhà đã đóng cửa. Trong tình trạng tranh tối tranh sáng này không ai dám ra đường vào ban đêm. Chỉ có một vài quán tạp hóa nhỏ, quán cà phê, là còn có người lui tới. Thu và Élain đi tìm khắp thị trấn nhưng không có nơi nào bán hòm hay chịu đóng hòm. Thu đành phải để Tuyết và Élain ở lại, một mình leo chiếc xe lam ba bánh cuối cùng về Long Khánh rồi đón xe về Vũng Tàu để mua hòm và thuê xe.
Tuyết và Élain trở lại ngôi nhà trọ hôm trước xin xin tá túc. Một đêm khắc khoải lo âu. Bà già chủ nhà vẫn ân cần vui vẻ tiếp đón. Nỗi hân hoan của bà hiện rõ khi biết Tuyết đã tìm được xác chồng. Bà không ngớt cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ Maria.
Lúc gần trưa ngày hôm sau, Thu và Dì Bảy đã trở lại Định Quán trên chiếc xe pick-up mướn ở Vũng Tàu. Họ mướn xe bò chở hòm vào rừng lấy xác. Khi quan tài của Huệ đã được đặt trên chiếc xe pick-up, Tuyết trả tiền người đánh xe bò. Nhưng người đánh xe bò tốt bụng đã kính lại 2 ngàn cho Tuyết để mua nhang đèn. Thế mới biết tình cảm của người dân đối người lính Cộng hòa vẫn chưa thay đổi, dù VC đã cố tình bôi nhọ những người thua trận.
Khi xe đưa quan tài Huệ về đến Vũng Tàu, Tuyết đã gặp một chuyện buồn nhỏ. Chuyện buồn này không phát xuất từ phía chính quyền mới, chính quyền cộng sản vô thần, mà từ phía gia đình. Bọn vô thần thì chẳng tin thần, tin thánh. Tượng Chúa chúng còn đập phá, tượng Phật bằng gỗ chúng chẻ ra thổi cơm. Chúng dùng sân chùa, sân nhà thờ làm sân phơi lúa. Những nơi thờ phượng chúng làm kho Hợp Tác Xã. Nhưng chúng có mê tín dị đoan không thì khó biết. Chúng cần phải che dấu để chứng tỏ là con người vô thần, con người cộng sản. Dầu sao là người Việt Nam, lớn lên trong một xã hội chậm tiến, văn minh khoa học chưa được phổ biến rộng rãi, nhất là bọn “răng đen mả tấu” sống nơi hoang dã, nơi rừng rú, thì lòng mê tín dị đoan lại càng sâu đậm. Từ ngàn xưa, người dân quê vẫn kiêng kỵ không mang xác của thân nhân chẳng may chết ở dọc đường hay tha phương vào nhà, vì sợ mang điều xui cho gia đình. Nếu có mang về thì cũng phải để ở bên ngoài ngỏ. Quyết định ban đầu của gia đình định đưa thẳng quan tài của Huệ đến Nhà Thờ làm lễ, rồi đưa ra Nghĩa Trang an táng. Nhưng mẹ của Huệ, một bà Mẹ Việt Nam tháo vát và rất cương quyết. Bà rất yêu thương Huệ. Huệ chính là niềm kiêu hãnh của bà. Bà không nỡ để thân xác đứa con trai cưng của bà bên ngoài nhà. Bà cũng có lòng mê tín dị đoan như mọi người Việt Nam bình thường khác, nhưng thương con, bà quyết định mang quan tài của Huệ về nhà làm lễ, dù gia đình có xảy đến điều gì xui xẻo. Tình thương con đã thắng lòng mê tín dị đoan, một hủ tục chưa loại bỏ được.
Tang lễ của Huệ, tang lễ của một “Anh Hùng vị Quốc vong thân”, đáng lý phải được làm rình rang cho mọi người đến chiêm ngưỡng. Nhưng vì tình thế không thuận lợi, đất nước đang bị kẻ xâm lăng Bắc Việt chiếm đóng, gia đình chỉ làm đơn sơ và gần như lén lút với chính quyền mới.
Ngày hôm sau, Cha xứ đếm làm lễ sớm, lời kinh cũng không dám đọc lớn, chỉ thì thầm vừa đủ nghe để tránh rắc rối với bọn “cách mạng 30”, với nhà cầm quyền cộng sản vô thần.
Thân xác Huệ, thân xác của một Anh Hùng vị Quốc vong thân, đã trải qua hơn 40 ngày dãi nắng dầm mưa, cô đơn trên một ngọn đồi hiu quạnh, dù hoàn cảnh có khắc nghiệt, dù gặp bao nhiêu trắc trở, cuối cùng cũng đã được an giấc ngàn thu trong Nghĩa Trang của xứ đạo quê nhà. Huệ đã đền xong nợ nước, nhưng nợ nhà chưa xong. Huệ ra đi để lại người vợ trẻ với hai đứa con thơ, và cha mẹ già cần chăm sóc. Nói an giấc ngàn thu chỉ là cách nói, Huệ không thể nào an giấc được khi quê hương đang hồi nghiêng ngã, đất nước đang rên xiết dưới đôi dép râu bẩn thỉu của bọn CSBV xâm lăng. Tương lai không có, tất cả đã bị chiếc nón tai bèo, bèo nhèo che lấp:
“Đôi dép râu dẩm nát đời son trẻ,
Chiếc nón tai bèo che khuất tương lai”.
(lời của một cô giáo Thủ Thiêm thốt lên sau ngày bọn CSBV cưởng chiếm Miền Nam. Nghe đâu vì câu thơ này mà cô giáo bị bắt đi tù cải tạo).
Chính bản thân Huệ, dù đã nằm xuống, bọn cộng sản cũng không để cho chàng nằm yên. Mộ phần vừa mới làm xong, cỏ chưa kịp mọc, bọn cộng sản đã bắt phá mộ. chúng thù người sống chưa đủ, nay thù cả xác chết. Là kẻ chiến thắng, nhưng chúng vẫn sợ kẻ chiến bại, một kẻ chiến bại oai hùng! Chúng vẫn không tin vào sự chiến thắng của chúng, vì chúng chiến thắng quá dễ dàng trong giai đoạn cuối của cuộc chiến. Chỉ 55 ngày đêm, chúng đã nuốt trọn Miền Nam, đã đánh bại một kẻ thù có tầm vóc. Chúng vẫn không tin vào sự thật, chúng nghĩ có thể chúng đang bị sa vào bẫy sập như lời nhận định của ông Tướng độc nhãn, Bộ Trưởng Quốc Phòng của Do Thái khi đến thăm Sàigòn, báo chí hỏi vấn kế làm thế nào để thắng cộng sản, ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Muốn thắng cộng sản, hãy để cho cộng sản thắng trước!”. Câu trả lời cỏ vẻ phi lý, và mâu thuẫn, nhưng ngẫm nghĩ thì rất là chí lý. Huệ đã chết, thân xác trở về với cát bụi, không còn một chút nguy hiểm hay đe dọa nào đối chính quyền mới, đối với kẻ chiến thắng, nhưng chúng vẫn sợ. Vũng Tàu nằm trong lãnh thổ Khu 33 Chiến Thuật, được sự bảo vệ của Sư Đoàn 18BB của Tướng Lê minh Đảo. Dù đã là kẻ chiến thắng, nhưng chúng không thể nào quên được sự thất bại nặng nề chua cay của Quân Đoàn IV CSBV, dưới quyền chỉ huy của Tướng Hoàng Cầm, khi mở cuộc tấn công liên tục 12 ngày đêm vào thị xã Xuân Lộc, nơi đặt Đại Bản Doanh của Sư Đoàn 18BB. Và chúng cũng không thể nào quên được Trung Đoàn 141 CSBV, dù chiếm được Định Quán, nhưng các đơn vị tinh nhuệ của chúng đã bị hy sinh gần hết khi cố tấn công, chiếm cho được các ngọn đồi do Tiểu Đoàn 2/43 trấn đóng. Chúng không thể nào quên được những trái bom đánh táo bạo, những trái đạn pháo binh chống biễn người, và sự chiến đấu dũng mãnh của những tên lính mang khăn quàn màu tím dưới quyền chỉ huy của hai tên “ác ôn, chống phá điên cuồng quân Cách Mạng”. Một tên chỉ huy còn sống chạy thoát, và Huệ, đã nằm lại. Thù ghét “Mỹ - Ngụy” nói chung, nhưng thù ghét bọn lính Sư 18 ngoan cố là hơn cả. Không những thù mà còn sợ, sợ cả xác chết. Chúng bắt buộc gia đình phải phá tan, đập nát mộ phần. Không còn cách nào khác, nàng và Bố Mẹ của Huệ quyết định bốc mộ. Thân xác của Huệ được hõa thiêu vội vàng. Từ tro bụi, sau 30 năm làm người, chịu đựng tất cả vinh nhục của một kiếp người, bây giờ Huệ lại trở về với tro bụi:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi,
Rồi một mai khi hình hài lớn dậy …”
Nhưng Huệ vẫn sống mãi trong trong tâm tư của Tuyết. Huệ là mối tình đầu, mối tình trọn vẹn của nàng, tuy giữa đường đã gãy gánh. Tình yêu của Huệ đối với nàng, tình yêu của nàng đối với Huệ là tình yêu bất diệt. Bắt chước cách nói của tên cáo già họ Hồ: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình yêu của nàng với Huệ thì không bao giờ phai lạt”. Dù Huệ đã trở về với tro bụi, nhưng hình ảnh Huệ, những việc làm của Huệ cho gia đình, cho đồng đội, cho đồng bào, cho Tổ Quốc sẽ còn lại mãi mãi. Quân sử QLVNCH sẽ ghi công ơn của Huệ. Những người bạn, những chiến hữu của Huệ sẽ không bao giờ quên được người lính oai hùng nơi Huệ.
Tro cốt của Huệ được gởi trong Nhà Thờ Tân Châu, Vũng Tàu. Bây giờ Huệ thật sự đã yên nghĩ trên mảnh đất quê hương. Huệ nằm đó bình yên, tháng ngày nghe tiếng sóng biển Đông vổ rạt rào vào bờ, đón từng cơn gió từ ngoài khơi mang hơi mát, mang vị mặng của biển vào đất liền, tô thêm cái mặn mà của tình gia đình, nghĩa đồng bào ngàn đời bất diệt. Linh hồn của Huệ đã về nước Chúa, lên cỏi Thiên Đàng Vĩnh Cữu.
Michigan, July 16, 2007.
Bảo Định