Friday, September 10, 2010

Chuyện 35 Năm Trước: Trận Xuân Lộc Mùa Xuân Cuối (Nguyễn Tiến Hưng)

Lời Giới Thiệu: Để đánh dấu "30 năm nhìn lại" sau biến cố 1975, Giai phẩm Việt Báo Xuân Ất Dậu năm 2005 đã giới thiệu cuốn "Khi Đồng Minh Tháo Chạy" của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Sau đó, cuốn sách đã gây tiếng vang trong người Việt khắp nơi vì nêu ra nhiều uẩn khúc ít được dư luận biết tới... Năm nay, tác giả sẽ lại cung cấp cho chúng ta một cuốn sách mới, có nội dung tập trung vào Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và những quan hệ với Hoa Kỳ. Là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Howard của miền Đông Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã là Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hoà trước 1975. Sau khi tỵ nạn tại Mỹ, ông duy trì liên lạc với Tổng thống Thiệu và vị Đại sứ sau cùng của Hoa Kỳ tại Saigon là Graham Martin. Quan trọng hơn thế, ông tiếp tục nghiên cứu và sưu tập thêm nhiều tài liệu liên quan tới số phận Việt Nam Cộng Hoà trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, đã viết cuốn "The Palace File", được Cung Thúc Tiến phiên dịch sang Việt ngữ là cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc lập", rồi cuốn "Khi Đồng Minh Tháo Chạy". Năm nay, ông sẽ cho ra mắt cuốn "Tâm Tư Tổng thống Thiệu", dày hơn 700 trang với rất nhiều tài liệu mới được Thư khố Hoa Kỳ giải mật sau này. Riêng tựa đề cuốn sách cũng đã khiến tác giả đắn đo vì Nguyễn Tiến Hưng vừa muốn trình bày những dữ kiện lịch sử về miền Nam, về Tổng thống Thiệu và về chánh sách Hoa Kỳ với Việt Nam, nhưng cũng đề cập tới tâm lý và con người của ông Thiệu, một nhân vật ông có nhiều chia sẻ rất riêng tư trước khi ông Thiệu tạ thế vào năm 2001. Bố cục cuốn sách gồm bốn phần và một lời kết về thân phận Việt Nam. Trong phần một, tác giả trình bày một số diễn tiến dẫn tới việc Tổng thống Thiệu phải từ chức và rời Việt Nam. Độc giả có dịp tìm hiểu những uẩn khúc trong các quyết định rút quân, nào Đà Nẵng, Huế, Pleiku, hay những hy vọng le lói sau trận Xuân Lộc, rồi những vận động bên trong để cố cầm cự cho tới khi miền Nam thực tế bị bức tử. Rồi bị giao nộp gần như nguyên vẹn cho Cộng sản Bắc Việt. Phần hai mới truy nguyên lên chánh sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam từ thời các Tổng thống Lyndon Johnson đến Richard Nixon. Lồng bên trong là những tính toán của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Con đường đối thoại giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh thực ra mở đầu tại Việt Nam và Hoa Kỳ đóng cửa Sàigon để mở cửa vào Bắc Kinh! Kết luận là bốn năm hoà đàm để đưa tới Hiệp định Paris năm 1973 chỉ là hư vô - vô ích! Trong phần ba, tác giả Nguyễn Tiến Hưng tập trung vào con người Nguyễn Văn Thiệu, một nhân vật đa nghi và những nguyên nhân sâu xa của sự đa nghi, đặc biệt với Hoa Kỳ! Ông Thiệu đã dự tính rồi lại bỏ ý định viết hồi ký. Ông không quan tâm đến dư luận Mỹ, cũng chẳng muốn phân bua giải thích với người Mỹ về những lập luận hàm ý đổ lỗi cho Việt Nam Cộng Hòa và bản thân mình. Nhưng ông chú ý đến dư luận của người Việt Nam, nhất là của các chiến binh trong quân đội, và muốn giãi bày cảm nghĩ của mình với họ. Có lẽ đây là lần đầu mà một cách gián tiếp độc giả có thể nhìn ra tâm tư của ông Thiệu. Phần thứ tư có thể khiến ta ngậm ngùi vì đề cập tới những thành tựu của Việt Nam Cộng Hoà và những cơ hội bỏ lỡ cho một nước Việt Nam phú cường và tiến bộ. Có lẽ đây là một niềm an ủi muộn màng: ông Thiệu không toại nguyện, phải sống lưu vong tại Anh rồi tại Mỹ. Ông lâm bệnh tại Hawaii ngay khi Mỹ bị vụ khủng bố 9-11. Sau khi phi trường Boston được giải tỏa sau vụ khủng bố thì ông mới được trở về nhà. Và sau đó tạ thế.... Tổng kết lại về con người Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng số phận của miền Nam, tác giả Nguyễn Tiến Hưng đưa ta về hiện tại, về đối sách của Hoa Kỳ tại Iraq hay Aghanistan... Từ nhiều năm nay, Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng đã nói chuyện rất lâu với Việt Báo về cuốn sách. Đây là một tài liệu hấp dẫn và hữu ích, cho chúng ta hiểu thêm về Hoa Kỳ và có một cách đánh giá trung thực về ông Nguyễn Văn Thiệu, một người mà thảm kịch cũng phần nào là số phận bi thảm của miền Nam. Với lời cảm tạ tác giả Nguyễn Tiến Hưng, Việt Báo xin trân trọng giới thiệu chương tám của cuốn sách, về trận đánh cuối cùng của cuộc chiến, vào một mùa Xuân cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà. Trận Xuân Lộc. Trận đánh không chỉ là một trang sử oai hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà trước khi bị bức tử, mà còn là một biến cố có ý nghĩa. Nếu không có trận Xuân Lộc, Bắc Việt Cộng Sản có thể đã vào Sàigon sớm hơn 10 ngày, nghĩa là không có làn sóng di tản vào những ngày giờ cuối để mở đầu cho sự hình thành của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Dù có muộn màng, trang báo này xin dâng lời tri ân đến các chiến binh đã hy sinh trong trận Xuân Lộc.

Xuân Lộc: Niềm Hy Vọng Thoáng Qua
Nhiều người cho rằng Pháp đã thất trận tại Paris trước Điện Biên Phủ (ngày 7 tháng 5, 1954). Hai mươi mốt năm sau, lịch sử lại tái diễn: Mỹ đã thất bại ở Washington trước Sàigòn, Đại sứ Martin tâm sự với chúng tôi vào năm 1986. Ông đã nhắc lại điều ông quả quyết với Quốc hội Hoa Kỳ mười năm trước đó: "Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu hết sức dũng cảm ở Xuân Lộc, nhưng trận chiến ở trên Đồi Jenkins đã thất bại rồi." Đồi Jenkins hay 'Jenkins Hill' là nơi được chọn để xây cất tòa nhà Quốc hội lấy tên là 'US Capitol' (nên cũng gọi là 'Capitol Hill'). Ông Martin thêm rằng khi ông nói như vậy thì cũng chẳng có ông nghị nào cãi lại được. Vào những ngày giờ cuối cùng, nghị sĩ dân biểu Mỹ chỉ viện dẫn thảm bại Pleiku để cho rằng có viện trợ thêm cũng vô ích. Ông Martin điều trần: "Sự triệt thoái khỏi Quân đoàn I và II chỉ là một cuộc rút lui thất bại vì đã thi hành bết bát; thực ra đây chỉ là một cuộc rút lui bắt buộc phải làm vì lý do thiếu phương tiện chiến đấu (vì chính Quốc hội đã cắt viện trợ), nhưng nó lại bị coi là vì ý chí chiến đấu của quân đội Miền Nam đã sụp đổ trước cuộc tấn công của quân đội Bắc Việt." Ngược lại, ông cho rằng vào thời điểm ấy, tình hình chính trị ở Miền Nam vẫn còn ổn định và quân đội VNCH vẫn còn chiến đấu anh dũng: hãy nhìn vào trận chiến ở Xuân Lộc. Về Xuân Lộc thì nhiều tác giả đã viết chi tiết, nhưng ngày nay nhìn lại lịch sử 35 năm trước và trên căn bản những tài liệu mới có được thì chúng tôi thấy nhiều sự kiện, biến cố nó nối kết với nhau, đặc biệt là về ý nghĩa sâu xa của Xuân Lộc, Long An và Vũng Tầu. Không mất ý chí chiến đấu Ngày 9 tháng 4 quân đội Bắc Việt tấn công Xuân Lộc, thủ phủ của tỉnh Long Khánh khoảng 60 cây số về phía Đông Bắc Sàigòn trên quốc lộ 1. Tỉnh này có dân số chừng 100 ngàn người và nổi tiếng về các đồn điền cao su. Ba sư đoàn chủ lực BV tập trung đánh vào Xuân Lộc với hàng ngàn quả trọng pháo, một đợt pháo kích dữ dội nhất trong suốt cuộc chiến. Đợt đầu tấn công, thành phố bị phá hủy nặng nề, nhưng Sư đoàn 18 Bộ Binh của QLVNCH quyết tâm cố thủ, đợi Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tới giải vây. Lữ đoàn này được tiếp viện từ Sàigòn tới phía Bắc Quốc lộ 1 để mở đường vào Xuân Lộc. Bắc Việt đã tung vào trận này ba trong số chín sư đoàn đang tiến về Sàigòn. Muốn vào được thủ đô miền Nam thì phải đi qua điểm chốt ấy. Sau một tuần, dù chiến đấu thật dũng cảm, nhưng vì quân đội Bắc Việt quá đông áp đảo, Sư đoàn 18 phải rút lui, nhưng tình hình sôi động đã lắng xuống, tương đối ổn định, Xuân Lộc là trận đánh lớn cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Ngay lúc trận đánh còn đang tiếp diễn, Đại sứ Martin đã gửi một công điện về cho Cố vấn An Ninh Tổng thống Ford để nói lên ý nghĩ của ông là có thể Tòa Bạch Ốc không biết rõ tình hình quân sự ở Miền Nam là vì Bộ Quốc Phòng vì một lý do nào đó không chịu báo cáo cho rõ ràng. Theo ông thì thực ra Xuân Lộc đang chứng minh rõ một điều:
Ngày 13 tháng 4
Gửi Tướng Brent Scowcroft
(Cố Vấn An Ninh Tổng Thống, Tòa Bạch Ốc)
"Một số những người bạn của chúng ta ở Ngũ Giác Đài đôi khi đã bị ảnh hưởng bởi những tin tức từ báo chí hơn là sự thật, vì vậy họ đã không chuyển cho ông những báo cáo thường xuyên của chúng tôi về Xuân Lộc. Chúng tôi biết rằng một con chim sẻ chẳng làm nên mùa hè, nhưng dù rằng sau cùng họ sẽ thắng hay bị áp đảo, những chiến đấu hiện nay của quân đội VNCH đã làm vô giá trị luận điệu chống đối tại Quốc hội là quân đội VNCH đã "mất ý chí chiến đấu." Tôi hy vọng ông sẽ tìm cách phổ biến những tin tức xác thực này ra..."
Martin



Chúng ta đang có một chiến thắng được thành hình
Cùng ngày 13 tháng 4, ông Martin đánh thêm về Tòa Bạch Ốc một công điện nữa để chuyển một báo cáo của Tướng Smith vừa mới soạn cho Tướng Brown ở Ngũ Giác Đài. Tướng Homer Smith là Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ tại Sàigòn (thay Tướng John Murray); Tướng George S. Brown là Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Trong báo cáo, Tướng Smith khen ngợi lòng dũng cảm và ý chí chiến đấu của quân lực VNCH trong một tình thế vô cùng bất lợi về hỏa lực cũng như quân số. Tướng Smith Báo cáo như sau:

Ngày 13 tháng 4
Tướng Smith
Gửi Tướng Brown
Qua Đô đốc Gayler, Tư lệnh Thái Bình Dương

"Chúng ta đang có một chiến thắng được thành hình. Tại mặt trận Long Khánh, quân đội VNCH đã chứng tỏ rõ ràng sự cương quyết, ý chí và lòng can đảm để chiến đấu mặc dù cán cân lực lượng đã thiên hẳn về phía địch. Dù rằng trận chiến chỉ mới qua vòng một, chúng tôi có thể nói dứt khoát rằng quân đội VNCH đã thắng vòng một.

"Mặt trận này là để kiểm soát được QL-1 và QL-20, và thị trấn Xuân Lộc đã bắt đầu từ ngày 9 tháng tư với 3,000 quả trọng pháo, tên lửa và súng cối...

"Sáng nay bắt đầu ngày thứ năm của trận chiến, lực lượng VNCH vẫn giữ được bản doanh..."

Chín sư đoàn Bắc Việt đang tiến về Sàigòn, nhưng có thể vì Xuân Lộc mà quân đội Bắc Việt đã tạm ngừng để phối trí lại? Khả năng này là cao vì nếu không có cái chốt ở Xuân Lộc thì theo tình báo của Hoa Kỳ: Sàigòn đã bị tấn công sớm hơn như đề cập dưới đây.

Niềm hy vọng thoáng qua

Tại Dinh Độc Lập, TT Thiệu theo dõi hai trận chiến Xuân Lộc và Long An với một niềm hy vọng. Hồi tưởng lại những công việc ông làm lúc ấy thì thấy phản ảnh rõ ràng là ông chợt thấy chút ánh sáng cuối đường hầm. Ngày 9 tháng 4 đang khi trận Xuân Lộc bắt đầu thì Sư đoàn 5 BV từ Svay Rieng (Kampuchia) tiến đánh Long An. Địa Phương Quân Long An phản công dữ dội, được một số đơn vị của Sư đoàn 7 từ QĐ IV tiếp viện. Rồi số binh sĩ còn lại của Sư đoàn 22 sau khi đã chiến đấu với "quyết tâm, can trường, và được lãnh đạo tốt ở Bình Định," theo lời Đại tá LeGro viết cho Quân sử Hoa Kỳ, thì "dù bị thiếu thốn mọi thứ đã được điều động tới tiếp viện cho Long An."

Trong cuộc họp ngày 1 tháng 4 tại Dinh Độc Lập, Tổng thống Thiệu cũng nói (và chúng tôi ghi lại thật rõ ràng vào cuốn sổ): "Còn như ở Quy Nhơn: Sư đoàn 22 đánh tới chết (từ Phú Cát), dù Tư lệnh bị bệnh cũng cứ đánh." Vào chính lúc đó, ngày 10 tháng 4, Tổng thống Ford lại yêu cầu tăng quân viện phụ trội cho VNCH (dù chỉ là yêu cầu chiếu lệ như đề cập dưới đây). Tổng thống Thiệu vừa thấy chiến thắng, vừa nghe chính Tổng thống Hoa Kỳ tỏ ra có thiện cảm với Miền Nam nên ông lên tinh thần đôi chút, hy vọng vẫn còn khả năng chiến đấu:

" Ngày 11 tháng 4, ông ghi vào một văn bản (theo tờ trình của đại sứ Martin) về những việc ông sắp làm, rồi đưa cho chúng tôi (vì còn giữ được nên chúng tôi in kèm theo):
- Diễn thuyết trên truyền hình và đài phát thanh nói về chiến thắng Xuân Lộc, Long An;
- Móc nối việc này vào lễ tấn phong chính phủ mới (chính phủ Nguyễn Bá Cẩn) vào sáng thứ 2, ngày 14 tháng 4; và
- Tổng thống đi thăm chiến thắng;
- Rồi ông ghi thêm "Tổng thống còn có thể làm gì nữa?"

" Ngày 14 tháng 4 (tức là chỉ còn hai tuần trước sụp đổ) trong nghi lễ tấn phong tân chính phủ Cẩn, dù có vẻ căng thẳng, vẻ mặt xanh xao vì những biến cố liên tục, nhưng ông vẫn còn nói tới quyết tâm chiến đấu, chưa tuyệt vọng;

"Ngay sau đó, như đã nhắc lại trong Chương 6, ông bảo chúng tôi ghé văn phòng ông và đưa cho xem công điện của Ngoại trưởng Bắc đánh từ Luân Đôn về báo cáo đã thành công về chuyến đi Saudi Arabia để vay tiền.

Xuân Lộc trả lời bí ẩn 19/4?

Ngày 10 tháng 4 là ngày trận Xuân Lộc và Long An đang tiếp diễn, Tổng thống Ford ra Quốc hội yêu cầu tăng quân viện cho Miền Nam. Như vậy là để thêm tiếp liệu cho quân đội VNCH? Không phải, đây chỉ là một nghĩa cử trông cho đẹp, bịt mắt thiên hạ mà thôi. Sau này, chính Phụ tá Tổng thống Brent Scowcroft đã tiết lộ với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn: "Việc xin quân viện như vậy chỉ là một cách làm cho chúng tôi trông có vẻ thật lòng về những cố gắng ấy. Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi." (KĐMTC trang 290-293).

Thật hay không thật lòng là một bí ẩn lúc ấy, nhưng còn một sự việc khác bí ẩn hơn nhiều. Đó là khi Tổng thống Ford yêu cầu cấp thêm quân viện, ông lại ấn định một thời gian chỉ có 9 ngày để Quốc Hội hành động: hạn chót là ngày 19 tháng 4. Ngày đó Quốc hội phải cho biết là 'có hay không' chấp nhận đề nghị của ông.

Tổng thống Thiệu hết sức thắc mắc về hạn chót này. Ông hỏi tôi tại sao lại chọn ngày 19 tháng 4? Tôi trả lời thực sự tôi cũng không hiểu. Sau đó tôi gọi Đại sứ Martin hỏi, ông cũng chỉ nói lơ mơ là không có gì đặc biệt. Nhưng rồi tin đồn đi khắp nơi là 'nếu Quốc hội Mỹ không chấp thuận quân viện vào hạn chót thì toàn bộ người Mỹ sẽ di tản hết vào ngày 19 tháng 4.' Ông Martin phải cho ông Alan Carter (Giám đốc Thông Tin Hoa kỳ) lên tivi giải thích để mọi người an tâm. Carter giải thích: "Ngày 19 tháng 4 chỉ là một ngày đặt ra cho Quốc hội hành động, chẵng có gì quan trọng cả."

Nói thì nói vậy chứ chắc chắn là ngày này phải là ngày quan trọng, nó không chỉ là một ngày như mọi ngày. Tại sao chỉ hai ngày trước hạn chót 19/4 ông Kissinger đã đánh điện thúc giục ông Martin: "Quan điểm chung của các giới quân sự, Bộ Quốc Phòng, và CIA là phải rút ra cho lẹ và ngay bây giờ." (KĐMTC, trang 356).

Ngày nay, sau 35 năm, có thể là ta đã có được câu trả lời về bí ẩn 19 tháng 4: ngày đó chính là ngày mà theo như kế hoạch ban đầu của quân đội Bắc Việt là sẽ tấn công vào Sàigòn. Trong một mật điện gửi về Tòa Bạch Ốc ngày 16 tháng 4, Đại sứ Martin viết là tình báo Hoa kỳ cho biết: sẽ có tổng tấn công vào ngày 18 hay 19 tháng 4. Nhưng ông cũng cho rằng không nên lo ngại vì trận Xuân Lộc và Long An đã làm thay đổi kế hoạch này rồi (ghi chữ đậm là do tác giả):

Ngày 16 tháng 4, 1975
Gửi Tướng Brent Scowcroft
Tòa Bạch Ốc

"Ông sắp sửa nhận được tin tình báo là sẽ có tổng tấn công vào Sàigòn ngày 18 hoặc 19... Tuy nhiên tôi tin rằng sự thành công của VNCH tại Xuân Lộc và Long An đã đánh lạc thời biểu này rồi (throw off balance the timetable). Và tôi cũng đã nói với Tướng (Nguyễn Khắc) Bình, Tư lệnh Cảnh sát và Tướng Minh, Tổng trấn Thủ đô phải coi tin này hết sức khẩn trương để chuẩn bị. Dù sao, tôi ước tính dù Cộng sản có tấn công thì cũng không tiến quá được Gia Định..."

Martin


Nếu như vậy thì ảnh hưởng của Xuân Lộc, Long An thật sâu xa: nó đã giúp mua được thời gian cho mọi người. Độc giả cứ thử tưởng tượng nếu có cuộc tấn công Sàigòn vào ngày 19 tháng 4 thì sao? Ngoài sự tàn phá khôn lường, chắc chắn là sẽ náo loạn và thực tế là ngoài một số các em bé mồ côi đã được chở đi trước đó, cuối cùng thì chẳng có ai di tản được. Lúc ấy thì cả Tổng thống Thiệu cũng còn đang tại chức.

Vì có thêm thời gian, nhiều việc được sắp xếp: từ việc Tổng thống Thiệu từ chức, tới những giải pháp chính trị, và việc ông Martin giúp di tản. Kiểm điểm về biến cố này thì lại thấy nó trùng hợp với một sự kiện nữa: cũng ngày 19 tháng 4, Ngoại trưởng Kissinger gửi một thông điệp của Tổng thống Ford cho Tổng Bí thư Brezhnew qua Đại sứ Nga Dobrynin đề nghị là "Chúng tôi cần có một cuộc đình chiến để di tản công dân Mỹ và những người Việt Nam có liên hệ trực tiếp và đặc biệt với Mỹ."

Nếu có sự phối hợp giữa các binh chủng

Về trận này, Đại tá LeGro viết cho Quân sử Hoa Kỳ có bình luận: "Thông điệp rõ ràng là những người binh sĩ Việt Nam tại Long Khánh đã chiến đấu tới chết cho xứ sở của họ. Đây là một sự nối kết cố gắng giữa Bộ Binh và Không Quân giúp cho Sư đoàn 18, Lữ đoàn Dù, và Biệt Động Quân để cố thủ". Như vậy, trận chiến này cho thấy khi nào quân đội được lãnh đạo cho đúng mức, và có sự phối hợp giữa các binh chủng thì khả năng thành công là cao. Và ngược lại khi không có sự phối trí cho chặt chẽ, hữu hiệu thì thất bại, thí dụ như cuộc rút lui từ Pleiku. Chúng tôi nghĩ rằng nếu các nhà quân sử xem xét lại những chiến thắng của quân đội VNCH thì cũng thấy nhận xét này là đúng.

Trong công điện báo cáo ngày 16 tháng 4, Đại sứ Martin viết:

"Duyệt lại thành quả sau năm ngày giao tranh đầu tiên, tướng Smith nói: "Tinh thần dũng cảm cũng như sự xông xáo của quân đội VNCH, nhất là những lực lượng Địa Phương Quân Long Khánh, rõ ràng chứng minh rằng những người lính này, nếu được trang bị đầy đủ và lãnh đạo tốt, sẽ vượt trội hẳn đối thủ của họ nếu so sánh từng cá nhân. Trận Xuân Lộc vào lúc này dường như đã trả lời được câu hỏi "liệu quân đội VNCH sẽ có chiến đấu hay không?"

Vũng Tầu giúp tránh đại họa?

Một điểm lịch sử quan trọng khác nữa là việc đại sứ Martin đã cực lực phản đối kế hoạch của Washington định đưa Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vào Sàigòn để di tản người Mỹ. Như chúng tôi đã đề cập trong cuốn KĐMTC, đây là một kế hoạch hết sức nguy hiểm vì binh sĩ Mỹ sẽ phải bắn nhau với quân đội VNCH để tìm lối thoát, và gây đại họa. Yếu tố nào đã giúp ông Martin thuyết phục được Washington bỏ ý định về cái mà ông gọi là "kế hoạch điên rồ" (crazy plan)?

Dù cho tới nay, ít ai hay biết, nhưng chính những đơn vị quân đội VNCH trấn đóng ở Vũng Tàu vào những ngày giờ cuối cùng đã phần nào giúp đại sứ Martin trong việc này. Ông đã sắp xếp, vận động để có một số đơn vị Dù và TQLC tới trấn đóng ở Vũng Tàu giúp giữ một cửa biển, một lối thoát cho người Mỹ. Vì đã có quân đội VNCH rồi, nên ông trình bày với Washington là khỏi cần phải đưa binh sĩ Mỹ vào nữa. Trong công điện gửi Ngoại trưởng Kissinger đề ngày 17 tháng 4, ông Đại sứ viết (ghi chữ đậm là do tác giả):

"Tôi đã có kế hoạch dùng mấy đơn vị thiện chiến của Sư Đoàn Dù và TQLC Việt Nam để họ bảo đảm an ninh cho cuộc di tản người Mỹ từ Sàigòn; những đơn vị này sẽ đồn trú tại Vũng Tầu và những điểm cần thiết để tầu (di tản) cập bến. Như vậy sẽ giảm thiểu được nhu cầu phải mang quân đội TQLC Mỹ vào, trừ một số để bảo vệ trên tầu và lên bờ trợ giúp đoàn người xuống tầu.

Ông giải thích là trước đó trong những công điện gửi cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc Phòng, ông không nói tới việc này là vì:

"Điều mà tôi đã không ghi ở trong công điện gửi Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Quốc Phòng vì tôi vô cùng e ngại rằng tin này sẽ được in trên trang nhất cuả tờ New York Times và Washington Post ngay ngày hôm sau..."

Ai là người đã giúp ông Martin vận động việc điều quân này? Ông Martin viết:

"Hôm nay tôi đã cho di tản một cách bất hợp pháp, bà vợ của một viên chức tình báo cao cấp. Ông ta sẽ không bao giờ ra đi, nhưng như vậy ta luôn có thông tin đầy đủ, và chính ông ta cũng đã dùng ảnh hưởng lớn của mình can thiệp với tư lệnh một vài đơn vị quân đội trong số những đơn vị mạnh mẽ nhất để giúp cho 'những người bạn trung thực nhất' của Việt Nam ra đi cho an toàn."

Như vậy, người đó là Tướng Tổng Giám đốc Trung ương Tình báo VNCH. Để đáp lại, thì đối với những đơn vị này, ông Martin nhất quyết là sẽ mang gia đình họ đi dù không có phép của Tổng thống. Ông sẽ lĩnh nhận hết trách nhiệm nên nếu có gì trục trặc thì cứ việc đổ lỗi cho ông. Mật điện gửi Tướng Scowcroft đề ngày ngày 16 tháng 4 như sau:

"Nếu tôi phải mang những người lính (Dù và TQLC) này cùng gia đình họ đi, tôi sẽ làm như vậy và sẽ trả lời sau về việc này. Tôi không xin phép ông đâu, để khỏi làm phiền lụy tới Tòa Bạch Ôc quá sớm. Và ông cũng không cần nói tới chuyện này khi ông trả lời cho tôi. Tuy nhiên, tôi muốn cả ông, Henry (Kissinger) và Tổng thống đều biết việc này.

"Nếu như có gì trục trặc xảy ra thì ông có thể tách các ông rời ra khỏi tôi, và cứ đổ là tôi đã hành động khi không có phép, nếu ông muốn. Nhưng đây là cách tốt nhất để có thể rút ra khỏi đây mà không phải dùng quân lực Mỹ đánh nhau với đồng minh trước đây của chúng ta, hoặc sát hại những người thường dân Việt Nam."

Cuối cùng ông Martin đã giữ lời hứa là di tản một số thân nhân của TQLC, tất cả là 250 người từ Vũng Tầu. Ngày 26 tháng 4, ông gửi công điện sau:

Đại sứ Martin gửi Tư lệnh Thái Bình Dương CINCPAC

"Tôi đã xem xét rất kỹ đề nghị của tướng Smith chính thức gửi tới ông là được dùng 2 chiếc C-130 để chuyên chở 250 thân nhân của TQLC ra đi từ Vũng Tầu vào ngày 27 tháng 4.

"Tôi đã chấp thuận kế hoạch này và muốn được thi hành cho hết sức chính xác. Đây là một yêu cầu cá nhân của tướng Lân, Tư lệnh sư đoàn TQLC. Ông ta hoàn toàn kiểm soát được phi trường Vũng Tầu...

"Vì không có mặt của Không Quân VN ở phi trường và người di tản cũng chưa kéo tới phi trường, nên tướng Lân hoàn toàn bảo đảm an toàn cho công việc này.

"Cũng có yếu tố chính trị rất quan trọng nữa đòi hỏi phải hành động cho thật hoàn hảo, chính xác và cho nhanh: đây là một tiền lệ, một thử nghiệm về việc dùng Vũng Tầu trong tương lai (để di tản) nếu tôi cảm thấy yên tâm rằng tướng Lân có thể cung cấp cho ta sự bảo vệ cần thiết..."
Martin


Cuối cùng, quân đội VNCH đã đóng góp không nhỏ vào thời điểm chót: vì đã chiến đấu dũng cảm ở Xuân Lộc nên mua thêm cho mọi người được 10 ngày quý giá. Giữ được cửa khẩu Vũng Tầu còn giúp cho ĐS Martin tránh được đại họa. Và tất cả đã giữ được ổn định, giúp cho đoàn người di cư đầu tiên có thể ra đi.

Cái nghịch lý là quân đội VNCH chẳng những đã không bắt con tin mà lại còn giúp cho "những người bạn trung thực nhất của Việt Nam (theo lời Đại sứ Martin) được ra đi cho an toàn."

Thật là một điều đáng được ghi nhớ.

****
LeGro, Vietnam From Cease-Fire to Capitulation, trang 173.
Như trên, trang 174.
Như trên, trang 173.
Như trên trang 174.
David Butler, The Fall of Saigon, trang 266.
David Butler, như trên, trang 352-3.

Đơn Vị Không Có Binh Nhì


(Bảo Ðịnh Nguyễn Hữu Chế, cựu Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ2/43)

Khi quân Cộng sãn xâm lăng Bắc Việt hoạch định kế hoạch tấn công Thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh, nơi đặt Ðại bản doanh của BTL/SĐ18BB/QLVNCH, chúng đã không tiên liệu được sức kháng cự anh dũng và mãnh liệt của quân trú phòng. Sư đoàn 18 BB/QLVNCH được đặt dưới quyền Tư lệnh của Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo, xuất thân khóa 10 Trường Võ bị Quốc gia Ðà lạt, kể từ ngày 4/4/1972. Là một tướng lãnh trẻ, năng động, và rất được lòng quân sĩ thuộc cấp; ông là nhân tố quan trọng của Chiến thắng Xuân Lộc vang dội, làm địch quân phải khiếp sợ, bạn bè kính nể. Các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ đã không ngớt ca ngợi chiến công to lớn này, kể cả những nhà báo thân Cộng sản. Ta có thể không ngoa chút nào khi đem so sánh trận chiến Xuân Lộc (XL) năm 1975 với trận chiến Ðiện Biên Phủ (ĐBP) năm 1954.

Năm 1954, tại lòng chảo ÐBP, Bắc Việt, Việt Minh với quân số áp đảo và địa thế thuận lợi, sau 55 ngày đêm bao vây, đã gây cho quân đội trú phòng của Ðại tá de Castries (được thăng Thiếu tướng ngay tại mặt trận) 8,000 thương vong, và khi trận chiến kết thúc, 9,500 quân sĩ bị bắt làm tù binh (kể cả vị chủ tướng de Castries). Người Pháp coi đó là cuộc thua trận nhục nhã, Việt Minh coi đó là một thắng lợi vẽ vang. Trân chiến ÐBP năm 1954 đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve năm 1954 chia đôi lãnh thổ, bất lợi cho người Việt quốc gia. Năm 1975, tại XL, Tỉnh Long Khánh, Nam Việt, tương quan lực lượng của hai bên là 6 (quân CSBV) và 1 (quân trú phòng). Trong dân gian có câu: Ba đánh Một, không chột cũng què! Nhưng đàng này bên Một, đã không chột, cũng không què. Trái lại bên Sáu đã vừa chột, lại vừa què! Khiến Bộ Chính Trị CSBV phải họp khẩn, chỉ thị Tướng Trần Văn Trà, chỉ huy quân VC miền Nam xuống tận Bản doanh Quân đòan 4 của Tướng VC Hòang Cầm trong vùng đồn điền cao su Bình Lộc ở hướng Bắc của XL xem xét thực tế chiến trường. Lê Ðức Thọ, tên Thái Thượng Hoàng của Triều đình đỏ CSBV phải thú nhận trước thực tế, để rồi chỉ thị: “… kết cục là anh em ta không đánh được XL, bị thương vong nặng, phải rút ra”. Và cuối cùng, kế hoạch tiến chiếm Thủ đô Sàigòn phải thay đổi toàn bộ. Do đó người bạn đồng minh Hoa Kỳ của chúng ta mới có đầy đủ thì giờ để sắp xếp kế hoạch cuốn cờ, và người dân Sàigòn cũng như người dân miền Nam có máu mặt, tự cho mình là thông hiểu thời cuộc, kịp thời di tản đi ra ngoại quốc trước, mặc cho “việc nước, việc dân” để những kẻ “ngu” lo.

“Chỉ huy là tiên liệu”, đó là điều mà bất cứ một cấp chỉ huy nào dù lớn nhỏ của QLVNCH đều phải biết. Nhưng qua trận chiến XL, ta có thể kết luận, tướng tá của quân CSBV không qua một trường lớp nào cả, kể từ Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Hoàng Cầm… đều chỉ là những tên du kích “răng đen mã tấu” gặp thời mà ăn nên làm rạ, nên chẳng biết bài học “tiên liệu”. Ngay cả tên Ðại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng, bậc thầy của cái gọi là QÐND của CSBV, cũng chỉ thụ huấn một thời gian ngắn tại Trường Võ bị Hoàng Phố bên Tàu. Giáp thắng Pháp bởi vì Giáp coi sinh mạng của quân sĩ dưới quyền chỉ là công cụ của Ðảng, Giáp không coi sinh mạng của con người là vốn quý của Tạo hóa. Do đó sở trường của Giáp là “nướng quân”. Giáp luôn luôn xử dụng chiến thuật biển người trong tất cả các cuộc tấn công. “Ba đánh Một không chột cũng què”. Ðó là câu thần chú mà Giáp đã thuộc nằm lòng.

Trong quyển “Ðại thắng Mùa Xuân”, Văn Tiến Dũng, tên Ðại tướng CS, chỉ huy đoàn quân xâm lăng CSBV khoát lát: “cán bộ tham mưu đã không kịp vẽ bản đồ cho bước tiến quân của bộ đội”. Vậy thì 12 ngày đêm bị cầm chân, phải dậm chân tại chổ với hơn 6 ngàn chiến sĩ của hắn bị phơi thây, 37 xe tăng bị phá hủy tại Mặt trận XL, thử hỏi Dũng đã đủ thì giờ cho cán bộ của hắn vẽ bản đồ chưa? Hay là đã phải than thân trách phận như nữ nhi thường tình: “Mặt trận XL đã ác liệt và đẫm máu từ những ngày đầu tiên…”

Quân đoàn 4 CSBV với 3 sư đoàn 6, 7, và 341, dưới quyền chỉ huy cuả Thiếu tướng Hoàng Cầm, và chính ủy QÐ là Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. Trong cuộc chiến tranh Việt–Pháp, Cầm từng là Tiểu đoàn trưởng tham dự Trận ÐBP năm 1954. Nhưng hào quang ÐBP năm nào cũng không giúp được cho Cầm làm nên “cơm cháo” gì, trái lại đã “thân bại danh liệt” khi đơn vị của hắn đụng phải SĐ thép 18 BB/QLVNCH. Tên chính ủy QÐ4/CSBV Hoàng Thế Thiện đã dối trá, trấn an các cán binh của hắn như sau: “Tôi nhắc lại, Sàigòn là mục tiêu cuối cùng chứ không phải XL!… các đồng chí cần phải giải thích cho cán bộ và chiến sĩ hiểu vì sao chúng ta không tung hết lực lượng vào mặt trận XL trong lúc này”.

Thật sự quân xâm lăng CSBV đã tung hầu hết lực lượng của chúng vào mặt trận. Ngày 15/4/75, chúng đã tăng viện thêm SĐ 325, và điều động SĐ 10, SĐ 304 vào vị trí. Tổng cộng CSBV đã sữ dụng 6 SĐ. Lấy Sáu chọi Một, chúng nghĩ rằng nhất định SĐ 18 phải chết. Nhưng chúng đã lầm, lầm to! Kết quả của trận đánh ác liệt và đẩm máu kéo dài 12 ngày đêm: hơn 6,000 cán binh CS bị phơi thây tại chổ, 37 xe tăng và xe bọc thép của địch bị phá hủy Ngoài ra, con số thương vong địch do pháo binh và không quân gây ra, một con số đáng kể, nhưng không kiểm chứng được. Chỉ riêng hai trái bom BLU-82 (Daisy Cutter) đã san bằng căn cứ Hậu cần trong vùng đồn điền cao su Bình Lộc với nhiều đạn pháo, lương thực, thuốc men, xăng dầu; cùng gây thương vong cho lối 3,000 quân CSBV. Về thiệt hại của quân bạn được ghi nhận là 30%. Riêng Chiến đoàn 52 là 60%.

Không chiếm được XL để mở đường cho việc tiến chiếm Sàigòn, CSBV buộc phải thay đổi kế hoạch. Chúng chỉ để lại Quân đoàn 4 bám sát và cầm chân SĐ 18, làm lực lượng trừ bị QÐ2/CSBV, sau khi đã làm chủ được Phan Rang, chúng được lệnh tránh né XL, đi vòng qua ngả Bình Tuy, PhướcTuy, theo QL 15 tiến lên đánh chiếm Biên Hòa. Cộng quân từ Cao nguyên, từ Ðalat, Lâm Đồng, theo QL 20 tiến về, hợp cùng cánh quân từ hướng QL 15 đánh chiếm Biên Hòa, uy hiếp Sàigòn.

Vì tình thế biến chuyển mau lẹ, để cứu Biên Hòa, cứu Sàigòn, buổi sáng ngày 20/4/1975, hồi 9 giờ, Trung tướng TL/QÐ3 cùng Ðại tá Hoàng Ðình Thọ, Trưởng P3 bay vào XL và lệnh cho Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo, TL Mặt trận, rút toàn bộ lực lượng tham chiến khỏi XL nội trong ngày. Hoàn trả LĐ1ND & TĐ82/BÐQ về BTTM/QLVNCH; lực lượng Tiểu khu Long khánh về Phước Tuy. SĐ18BB di chuyển về hậu cứ tại Long Bình để sẳn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Ðể tưởng thưởng những quân nhân hữu công tại Mặt trận XL, Trung tướng Ðồng Văn Khuyên, quyền TTMT/BTTM/QLVNCH đã ban hành SVVT về việc ân thưởng cho tất cả quân nhân QLVNCH tham chiến tại Mặt trận Xuân lộc, mổi người lên một cấp. Riêng Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo, TL/SĐ18BB kiêm TL/Mặt trận XL đã được Tổng Thống Trần Văn Hương vinh thăng đặc cách mặt trận lên cấp Thiếu tướng kể từ ngày 25/4/1975.

Và kể từ ngày đó, những đơn vị tham chiến 12 ngày đêm tại Mặt trận Xuân Lộc đã không còn cấp Binh Nhì.

Michigan, ngày 31 tháng 12 năm 2004

Bảo Ðịnh Nguyễn Hữu Chế

Cựu Tiểu đoàn trưởng TĐ2/43, SĐ18BB

Wednesday, September 8, 2010

Tuyến thép Xuân Lộc (Long Khánh)

12 ngày đêm ác chiến với Cộng Sản Bắc Việt (8/4/1975 đến 20/4/1975)
(Cựu Đại Tá Hứa Yến Lến - Tham Mưu Trưởng/HQ/SĐ18BB)
(Bài viết lần thứ hai sau khi bổ túc và Thiếu Tướng “LÊ MINH ĐẢO” đã duyệt)


ĐỀ MỤC

Lời nói đầu

I. Tiến trình cưởng chiếm miền Nam của CSBV (xem sơ đồ 1)
11. Mặt trận Quãng Trị (Vùng 1 Chiến Thuật/VNCH)
12. Mặt trận Cao Nguyên (Vùng 2 Chiến Thuật/VNCH) 13. Mặt trận biên giới Miên-Việt (Vùng 3 Chiến Thuật/VNCH)
II. Tuyến thép Xuân Lộc (Long Khánh)
21. Địa danh Xuân Lộc
22. Chuẩn bị chiến trường
23. Tổ chức và tương quan lực lượng (xem sơ đồ 2)
24. Diển tiến 12 ngày đêm ác chiến với CSBV (xem sơ đồ 3)
25. Giải tỏa thắc mắc về trái Bomb xử dụng
26. Những dử kiện liên quan đến lệnh rút khỏi Xuân Lộc
27. Hành quân lui binh
28. Tổn thất
III. Phần cuối
IV. Nhận xét
41. Tổng quát
42. Cá Nhân
V. Cảm tưởng của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo/TL/SĐ18BB kiêm TL/Mặt Trận Xuân Lộc (Long Khánh) để thay cho lời kết của bài viết.

LỜI NÓI ĐẦU

Lịch sử Việt Nam đã bị ép buộc phải sang trang ngày 30 tháng 4 năm 1975; ngày mà Cộng sản Bắc Việt đã cưởng chiếm miền Nam, áp đặt chế độ độc tài Đảng trị lên toàn nước Việt Nam!

“Moshe Dayan” Ngoại Trưởng Do Thái (chiến thuật gia và danh tướng “độc nhản”) khi viếng thăm SÀIGÒN (Thủ đô Việt Nam Cộng Hòa) trong cuối thập niên 1960, đã nhận định: “Bắc Việt sẽ thua trận một khi họ chiếm SÀIGÒN!” (1)

Là người Việt tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại, hằng năm đến ngày 30 tháng 4 đen, không một ai trong Cộng Đồng Việt Nam chúng ta mà không đau buồn vì cảnh nước mất nhà tan, nhân tâm ly tán; đồng bào trong nước đang quần quại dước ách thống trị bạo tàn của bè lũ Cộng Sản cầm quyền và cũng không một ai quên được “biến cố lịch sử” đã in sâu trong ký ức của mổi người. Đó là sự “mất miền Nam thân yêu của chúng ta”.

Là quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi xin ghi lại diển tiến “Mặt trận phòng thủ tuyến thép Xuân Lộc (Long Khánh) 12 ngày đêm ác chiến với Cộng Sản Bắc Việt” để hồi tưởng lại chiến thắng cuối cùng của QLVNCH (nói chung), Sư Đoàn 18 Bộ Binh và các đơn vị tăng phái (nói riêng) gồm: “Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân, Lực Lượng Địa Phương Quân & Nghĩa Quân/Tiểu Khu Long Khánh, hỏa lực Không yểm chiến thuật của Sư Đoàn 3 Không Quân” là để chứng tỏ rằng QLVNCH đã đánh một trận “tuyệt vời” và “để đời” vì thế giới bên ngoài đã hiểu một cách sai lệch cho rằng miền Nam/Việt Nam không chịu chiến đấu tự vệ nên đã sụp đổ mau lẹ sau 55 ngày đêm.

Tôi xin cuối đầu trước anh linh các chiến hữu đã “Vị Quốc Vong Thân”; tôi xin kính chức sức khỏe đặc biệt đến các “cô nhi quả phụ”, anh em “thương phế binh” cũng như thăm hỏi sức khỏe đến tất cả các chiến hữu và gia đình trực thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh và các đơn vị tăng phái kể trên.


Xin ơn trên phù hộ cho tất cả chúng ta!


TUYẾN THÉP XUÂN LỘC (LONG KHÁNH)

I. TIẾN TRÌNH CƯỞNG CHIẾM MIỀN NAM VIỆT NAM CỦA CỘNG SẢN BẮC VIỆT (2)

Sau khi được Nga Sô và Trung Cộng trang bị vũ khí tối tân như: chiến xa T-54+T-55+ PT-76; Đại bác 130 ly + 152 ly; Đại bác phòng không 23 ly + 57 ly; hỏa tiển chống chiến xa AT3/Sagger và hỏa tiển địa không SA-7/Strela.

Lợi dụng thời cơ “vừa đánh vừa đàm”, nhầm lúc Huê Kỳ đã rút về nước 80% quân số tham chiến tại Nam Việt Nam, Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) bất chấp dư luận Quốc tế, cố tình vi phạm hiệp định GENÈVE và những điều khoản đã thỏa thuận tại Paris nên vào tháng 3/1972, CSBV tập trung toàn lực gồm 12 trong số 13 Sư Đoàn (SĐ) chính quy có chiến xa và pháo binh yểm trợ, đặt kế hoạch tổng tấn công miền Nam/Việt Nam chia ra làm 3 mặt trận chính như sau:

11. Mặt trận Quảng Trị (V1CT/VNCH): sẽ do 2 SĐ 304+308 và 4 Trung Đoàn (TRĐ) 31+246+270+126 Biệt Lập/Đặc Công thuộc mặt trận B5 với sự yểm trợ của 2 TRĐ 203+204 Xe tăng cùng với 3 TRĐ Pháo 38+68+84. Các đơn vị này vượt tuyến Bến Hải, xâm nhập vùng phi quân sự theo Quốc Lộ 1 (QL1) đánh thẳng vào tỉnh địa đầu Quảng Trị. Cùng lúc đó, SĐ324 cùng với 2 TRĐ/BL 5+6 sẽ từ thung lũng A Shau (phiá Tây) tiến về thành phố Huế đe dọa Đà Nẳng.

-Trận Quảng Trị (30/3/1972-16/9/1972)

12. Mặt trận Cao Nguyên (V2CT/VNCH): sẽ do 3 SĐ 2+320+F10 được yểm trợ bởi 1 TRĐ Xe tăng và 1 TRĐ Pháo, đánh chiếm Pleiku và Kontum. Để yểm trợ cho mặt trận này, SĐ3/CSBV sẽ đánh phá vùng Bình Định phía ven biển để cầm chân QLVNCH tại đây. SĐ711/CSBV cũng được lệnh tạo áp lực và cầm chân QLVNCH tại Đà Nẳng.

- Trận Ban Mê Thuột (1/3/1975-17/3/1975)

13. Mặt trận biên giới Miên-Việt (V3CT/VNCH): được giao phó cho 4 SĐ 5+7+9+Bình Long, các TRĐ chủ lực Miền cùng với 1 TRĐ xe tăng và 1 TRĐ Pháo tiến chiếm quận Lộc Ninh đồng thời tấn công An Lộc (tỉnh Bình Long). Nếu chiếm được An Lộc, các lực lượng CSBV có thể theo QL13 tiến về SÀIGÒN; cùng lúc đó, SĐ1/CSBV sẽ tạo áp lực tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long để ngăn chận các lực lượng tiếp viện thuộc QĐIV/VNCH.

- Trận An Lộc (13/04/1972 - 12/06/1972)
- Trận Phước Long (13/12/1974 - 06/01/1975)
- Trận Phan Rang (07/04/1975 - 20/04/1975)


* *

*

Chiến tích lịch sử trên của CSBV đã được thu gọn trong bài nói chuyện của ông “Lê Đức Thọ” thuộc BCT/TU/ĐCSBV đăng trong tập san “Lịch sử quân sự số 3 năm 1988” với nội dung như sau (sao y nguyên văn) (3): “Đánh xong Buôn Ma Thuột, buộc địch rút khỏi Tây nguyên làm rung động cả chiến trường miền Nam; ta còn phải mở chiến dịch Huế + Đà Nẳng và cuối cùng mới hình thành chiến dịch Hồ Chí Minh (CD/HCM), giải phóng SÀIGÒN.” Để chỉ huy chiến dịch cuối cùng nầy, BTL/CD được thành lập, kết hợp với BTL/Miền cùng với các QĐ, phối hợp với các lực lượng chủ lực và địa phương miền Nam đánh chiếm SÀIGÒN. BTL/Miền chỉ huy các tỉnh, phối hợp với CD/HCM, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Về Đảng, BCT chỉ định 3 đồng chí ủy viên thay mặt, chịu trách nhiệm tập thể, trực tiếp lảnh đạo chiến dịch lịch sử nầy. Chúng ta đều biết, CD nầy phải có thời gian để tổ chức lực lượng, phải hình thành những cánh quân lớn, gần 5 Quân Đoàn từ 6 hướng cùng đánh vào SÀIGÒN.

- Một cánh quân (QĐ2 với chủ lực của K5 + K6), sau khi đánh Huế, giải phóng Quảng Nam + Đà Nẳng, đánh dọc theo miền Trung, phá vở phòng tuyến Phan Rang, đánh vào Đông/Long Thành và căn cứ Nước Trong*.
- Một cánh quân (QĐ3) từ Tây Ninh đánh vào Đồng Dù*.
- Một cánh quân (QĐ1) đánh vào Thủ Dầu Một.
- Một cánh quân (QĐ4) giải phóng Xuân Lộc đánh vào Biên Hòa.
- Một cánh quân nữa gồm 3 Sư đoàn phía Nam/SÀIGÒN từ Long An + Cần Đước + Cần Giuộc và đường số 4 đánh lên. Cùng lúc ấy, ở nội thành những đơn vị “Đặc công + Biệt động” chiếm giữ các cầu lớn, bảo đảm đường tiến quân của các QĐ chủ lực tiến vào trung tâm thành phố đuợc thuận lợi đồng thời các đơn vị trên tiếp tục đánh phá một số mục tiêu trong thành phố, làm cho địch càng thêm rối loạn, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ lực tiến vào đánh chiếm các cơ quan đầu nảo về quân sự, chính trị của Ngụy quân, Ngụy quyền ở nội thành. Trong tình thế địch đã suy sụp nên ta không gặp khó khăn, cản trở gì. Trong khi chủ lực tiến vào nội thành và quân địch bị tan rã thì các tổ chức Đảng và quần chúng, chiếm giữ các quận lỵ và một số cơ sở của địch mà không gặp sự xung đột, phản kháng nào của Ngụy quân và Ngụy quyền. (xem sơ đồ 1)

* Căn cứ Nước Trong - Địa danh Trường Bộ Binh/Thủ Đức và Trường Thiết Giáp
* Đồng Dù - Địa danh căn cứ SĐ25BB/VNCH tại Củ Chi Mặc dầu bị tổn thất nặng khi phải thật sự chạm súng với QLVNCH nhưng CSBV vẫn tiếp tục xua quân quyết cưởng chiếm cho được trọn vẹn miền Nam với chiến dịch Hồ Chí Minh (CD/HCM); thành phần nhân sự của tổ chức trên như sau:

Tư lệnh - Đại tướng Văn Tiến Dũng
Chính ủy - Đồng chí Phạm Hùng
Phó Tư lệnh - Thượng tướng Trần Văn Trà
- Trung tướng Lê Đức Anh
- Trung tướng Lê Trọng Tấn
Tư lệnh phó - Trung tướng Đinh Đắc Thiện
- Thiếu tướng Bùi Phùng (phụ trách Tiếp vận)
Phó Chính ủy - Trung tướng Lê Quang Hòa
Tham mưu trưởng - Thiếu tướng Lê Ngọc Hiếu

BTL/CD đã bàn thảo kế hoạch đánh chiếm SÀIGÒN với 5 mục tiêu ưu tiên như sau:

1)- Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH
2)- Dinh Độc Lập
3)- Bộ Tư Lệnh/Biệt Khu Thủ Đô
4)- Bộ Tư Lệnh/Cảnh Sát Quốc Gia
5)- Phi trường Tân Sơn Nhứt

II. TUYẾN THÉP XUÂN LỘC

Với thành phần lực lượng tham chiến gồm 5 QĐ, CSBV đã tràn vào từ miền Bắc, đánh chiếm Buôn Ma Thuột cũng như tiếp thu các căn cứ mà QLVNCH đã rút bỏ tại QK1 + QK2 + Huế + Đà Nẳng, v.v… Tuy nhiên trên đường tiến quân, CSBV đã nhận lấy tổn thất nặng nề khi phải thật sự “mặt đối mặt” với QLVNCH tại Xuân Lộc (Long Khánh) của SĐ18BB và các đơn vị tăng phái với 12 ngày đêm ác chiến.

21) Địa danh Xuân Lộc

“Xuân Lộc” tỉnh lỵ Long Khánh, nằm trên QL1, hướng Đông Bắc Sàigòn khoảng 80 cây số, được thành lập năm 1957 thời Đệ Nhất Cộng Hòa, có diện tích khoảng 3457 cây số vuông; phần lớn địa thế gồm đất đỏ, núi thấp, rừng thưa, nhiều vườn cây ăn trái và đồn điền cao su.

“Xuân Lộc” căn cứ của toàn bộ SĐ18BB bao gồm: Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh và các đơn vị Kỷ Thuật thuộc mọi Binh chủng của QLVNCH.

“Xuân Lộc” còn là vị trí chiến lược quan trọng vì là ngã ba của 2 QL1 + 20 đồng thời là cửa ngỏ xâm nhập SÀIGÒN (thủ đô miền Nam Việt Nam), xuất phát từ Cao Nguyên (QL20) và miền Trung (QL1) do đó Xuân Lộc được coi như vòng đai bảo vệ phi trường Biên Hòa và thủ đô SÀIGÒN.

“Xuân Lộc” về mặt chiến thuật, nằm trên đường giao liên giữa 2 Chiến khu C + D của Việt Cộng với các mật khu: Mây Tào + Cù Mi + Xuyên Mộc + Đất Đỏ của tỉnh Phước Tuy đồng thời là con đường huyết mạch bằng đường biển dùng để tiếp tế, bổ sung quân số xuất phát từ miền Bắc cho miền Nam/CSBV.

22) Chuẩn bị chiến trường tại Xuân Lộc (Long Khánh)

Nhờ vào tin tức tình báo, cung từ của tù binh CSBV cũng như giải đoán không ảnh của “Biệt Đội Quân Báo”; đặc biệt “Biệt Đội Kỷ Thuật” (BĐKT) gồm 5 quân nhân của BTTM/P7 do Trung úy Phát chỉ huy, tăng phái cho Sư đoàn với nhiệm vụ “nghe và dò đài địch”; thành quả đạt được của BĐKT trên hết sức xuất sắc, góp phần không nhỏ vào chiến thắng cuối cùng của QLVNCH (nói chung), SĐ18BB và các đơn vị tăng phái (nói riêng) trước khi giã từ chiến trường. Khai thác các mật điện từ đơn vị CSBV đánh đi mà toán BĐKT đã nhận được và giải mã, nên Sư đoàn đã nắm rất vững tình hình địch, đơn vị địch, v.v… rồi từ đó Sư đoàn chuẩn bị thật tỉ mỉ chiến trường để chờ đón địch vào đánh mà không sợ bị bở ngở. Thời gian chuẩn bị chiến trường của Sư đoàn là thời gian rất sôi động tại Cao Nguyên và miền Trung.

“Sư đoàn tổ chức cho đơn vị học tập thường xuyên đề cũng cố tinh thần binh sĩ; huấn luyện tại chổ kỷ thuật chống chiến xa cũng như cách sử dụng vũ khí chống chiến xa (M72).”

“Sư đoàn chỉ thị các đơn vị trưởng, các sĩ quan trực thuộc đơn vị, thường xuyên sinh hoạt với binh sĩ vì vậy tinh thần đơn vị lên rất cao; binh sĩ luôn tin tưởng các cấp chỉ huy thường xuyên sống chết với mình tại chiến trận.” “Sư đoàn chỉ thị các đơn vị, tổ chức vị trí chiến đấu ngoài rìa thị xã với những công sự phòng thủ chắc chắn để pháo của địch không gây nhiều tổn thất.”

“Sư đoàn chỉ thị TRĐ 43 tái chiếm và cố thủ những điểm cao chung quanh thị xã làm đài quan sát vì kinh nghiệm chiến trường cho biết, đơn vị trinh sát VC thường chiếm các điểm cao để điều chỉnh pháo, quan sát tình hình, mổi khi chúng tấn công vào thành phố.”

“Sư đoàn tổ chức lực lượng trừ bị gồm bộ binh và thiết giáp, có lưu động tính cao, phản ứng nhanh, hỏa lực mạnh, v.v… để sẳn sàng can thiệp, hổ trợ đơn vị bạn hoặc tiêu diệt địch (nếu cần).”

“Sư đoàn cũng đã tiên liệu các hỏa tập Pháo binh, kế hoạch yểm trợ hỏa lực cũng như kế hoạch không yểm chiến thuật, vùng oanh kích tự do, v.v… Số lớn Pháo được phối trí ngoài thị xã Xuân Lộc, trên các điểm cao như Núi Thị, hướng Nam/Xuân Lộc, v.v… (kể cả 2 khẩu “đại pháo tự hành 175 ly” đặt trên xe bánh xích của QĐIII tăng phái) để địch không tìm ra vị trí chính xác. Các khẩu Pháo nầy có nhiệm vụ tác xạ ngược lại vào thị xã, trường hợp CSBV xâm nhập sâu vào vòng đai phòng thủ. Tại BCH/TK/LK và TRĐ 43, Sư đoàn đã phối trí tại mổi vị trí vỏn vẹn 2 khẩu pháo để yểm trợ đơn vị bạn hoạt động ngoài vòng đai phòng thủ.

“Sư đoàn chỉ thị Tiểu Đoàn 18 Quân Y và bệnh xá Sư đoàn cùng với thân nhân và gia đình binh sĩ trực thuộc Sư đoàn di chuyển từ Xuân Lộc về Long Bình (Biên Hòa) hậu cứ của Sư đoàn để chiến sĩ SĐ18BB không bị vướng chân, tránh thiệt hại cho gia đình và an toàn cho thương bệnh binh nằm điều trị.”

23) Tổ chức và tương quan lực lượng (xem sơ đồ 2)

231) Nhiệm vụ § SĐ18BB và các đơn vị tăng phái với nhiệm vụ kể sau:
· Phòng thủ tỉnh lỵ Xuân Lộc (Long Khánh)
· Chận đứng sự xâm nhập của CSBV xuất phát từ Cao Nguyên (QL20) và miền Trung (QL1) tiến vào thủ đô SÀIGÒN.
· Bảo vệ an ninh:
- QL1 từ Xuân Lộc đến Gia Ray
- QL20 từ ngã ba Dầu Giây đến Kiệm Tân

232) Tổ chức Để thi hành nhiệm vụ trên, SĐ18BB phối trí các đơn vị trực thuộc như sau:

a) Bạn-QLVNCH
§ BTL/HQ/SĐ18BB do Chuẩn Tướng “Lê Minh Đảo” chỉ huy
§ BTM/HQ/SĐ do Đại Tá “Hứa Yến Lến” TMT/HQ/SĐ chỉ huy
§ LLĐN 43 do Đại Tá “Lê Xuân Hiếu” chỉ huy gồm:
- TRĐ 43 (trừ TĐ2/43)* + TĐ2/52
- THĐ5KB + TĐ82BĐQ* + LL/ĐPQ+NQ/TK/Long Khánh
Nhiệm vụ: Phòng thủ thị xã Xuân Lộc (Long Khánh)

* TĐ2/43 – Tăng phái Tỉnh và TK/Long Khánh với nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quận và Chi Khu/Định Quán nằm trên Quốc lộ 20 về hướng Đông Bắc/Xuân Lộc (Long Khánh), vì vậy, TĐ2/43 không còn trực thuộc hệ thống chỉ huy của TRĐ43.

*TĐ82BĐQ do Thiếu tá “Vương Mộng Long” chỉ huy vừa di chuyển từ trại Ben Het (QK2) về tạm trú đêm hôm trước tại Xuân Lộc để chờ phương tiện chuyên chở tiếp về hậu cứ nhưng qua ngày hôm sau tình hình Xuân Lộc sôi động nên BTTM/QLVNCH tăng phái đơn vị trên cho SĐ18BB để tăng cường cho TRĐ 43 phòng thủ thị xã Xuân Lộc (Long Khánh).

§ LLĐN 48 do Trung tá “Trần Minh Công” chỉ huy gồm toàn bộ TRĐ48 với thành phần yểm trợ cơ hữu.
Nhiệm vụ: hoạt động bảo vệ an ninh QL1 từ Xuân Lộc đến Gia Ray.

Ngày 12/4/1975, LLĐN 48 bàn giao nhiệm vụ cho Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù (LĐ1ND) và sau đó di chuyển về bố trí dọc LTL2 từ ngã ba Tân Phong (Chi Khu Xuân Lộc) đến căn cứ Long Giao (hậu cứ TRĐ), trở thành trừ bị cho Sư đoàn.

§ LLĐN 52 do Đại tá “Ngô Kỳ Dũng” chỉ huy gồm toàn bộ TRĐ52 (trừ TĐ2/52) với thành phần yểm trợ cơ hữu. Nhiệm vụ: hoạt động bảo vệ an ninh QL20 từ ngả ba Dầu Giây đến Kiệm Tân. Lực lượng tăng phái của QLVNCH:

§ LĐ1ND do Trung tá “Nguyễn Văn Đỉnh” chỉ huy, gồm:
· TĐ1 + 8 + 9ND + ĐĐTS/ND
· TĐ3PB/ND + ĐĐ3CB/ND + ĐĐ1QY/ND

được trực thăng vận đến vùng hành quân ngày 12/4/1975 để thay thế LLĐN48.
Nhiệm vụ: hoạt động bảo vệ an ninh QL1 từ Xuân Lộc đến Gia Ray.

§ TĐ82BĐQ – Tăng phái cho SĐ18BB theo lệnh BTTM/QLVNCH kể từ ngày 7/4/1975 để tăng cường cho LLĐN43 phòng thủ thị xã Xuân Lộc (20).
Nhiệm vụ: Phòng thủ sân bay L-19 và tòa Hành Chánh tỉnh Long Khánh, nơi đặt BCH/HQ/TKLK (vùng Đông Nam thị xã XL) do Đại tá Phạm Văn Phúc /Tỉnh Trưởng kiêm TKT/TK/LK chỉ huy.

§ 2 khẩu đại bác tự hành 175 ly đặt trên xe bánh xích với tầm tác xạ trên 30 cây số của PB/QĐIII/VNCH. Tất cả lực lượng tham chiến trên được hỏa lực Pháo binh cơ hữu yểm trợ trực tiếp và tổng quát. Ngoài ra hỏa lực của 2 khẩu đại bác tự hành 175 ly đặt trên xe bánh xích của QĐIII tăng phái sẽ yểm trợ tăng cường các cánh quân ưu tiên theo nhu cầu chiến trường.

§ SĐ3KQ/Biên Hòa không yểm chiến thuật theo yêu cầu của Tư lệnh mặt trận qua các CHT/LLĐN và LĐ1ND.

b) Địch-CSBV Lực lượng CSBV tham chiến tại mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh)

§ Quân Đoàn 4/CSBV (QĐ4) với 3 SĐBB cơ hửu: SĐ 6 + 7 + 341 + đơn vị xe tăng + xe bọc thép + đơn vị Pháo yểm trợ tầm xa đủ loại. Đơn vị Pháo phòng không gắn trên xe kéo, v.v…
· Sư Đoàn 6/CSBV (SĐ6) với quân số khoảng 2300 người gồm 3 TRĐ.33+274+612.
· Sư Đoàn 7/CSBV (SĐ7) với quân số khoảng 4100 người gồm 3 TRĐ.141+165+209.
· Sư Đoàn 341/CSBV (SĐ341) là Sư đoàn mới thành lập 1 năm sau ngày Hiệp định Balê được ký kết.

Lực lượng tăng cường của CSBV:
§ Sư Đoàn 325/CSBV (SĐ325) với quân số khoảng 5000 người gồm 3 TRĐ.18+95+101.
§ Liên Đoàn 75 Pháo yểm trợ tầm xa đủ loại + đơn vị Pháo phòng không gắn trên xe kéo, v.v…

233) Tương quan lực lượng
- Bạn QLVNCH 1
- Địch CSBV 5

24) Diển tiến 12 ngày đêm ác chiến (xem sơ đồ 3)
Để chuẩn bị trận đánh Xuân Lộc (Long Khánh) BTL/CD/HCM đã xử dụng QĐ4/CSBV và các đơn vị của QK7/CSBV; thành phần như sau:
- Tư lệnh QĐ4/CSBV Thiếu tướng “Hoàng Cầm”
- Chính ủy Thiếu tướng “Hoàng Thế Thiện”

Giữa tháng 3/1975, CSBV đã đánh chiếm quận Định Quán (tỉnh Long Khánh) nằm hướng Đông Bắc, cắt đứt QL20 nối liền SÀIGÒN với các tỉnh Cao Nguyên; sau đó không lâu, CSBV chiếm quận Bình Khánh, cắt đứt QL1 ra Bình Tuy và vùng Duyên Hải.

Giữa tháng 3/1975, trong một cuộc chạm súng với lực lượng của SĐ341/CSBV tại xã Kiệm Tân trên QL20, LLĐN 52 đã bắt được một số tù binh còn rất trẻ, không có kinh nghiệm chiến trường, tuổi từ 18 đến 20 nhưng được trang bị vũ khí mới với đầy đủ cấp số hỏa lực còn nguyên vẹn (mặc dầu đã tham chiến); khai thác cung từ cho thấy các tù binh nầy thuộc những đơn vị mới thành lập được đưa thẳng từ miền Bắc vào. Với những tin tức trên, tinh thần SĐ18BB lên rất cao và cũng cố thêm niềm tin để chờ đợi địch vào đánh như đã dự trù sẳn chiến trường từ trước mà không bị bở ngỡ.

Đầu tháng 4/1975, lực lượng QĐ4/CSBV tuần tự đánh chiếm các điểm trọng yếu thuộc tỉnh Long Khánh và vào thượng tuần tháng 4/1975, thị xã Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh) trở thành khu vực phòng ngự trọng yếu của QĐIII+V3CT/QLVNCH để bảo vệ SÀIGÒN từ hướng ĐB đồng thời là tuyến ngăn chận CSBV từ miền Trung (QL1) và miền Cao Nguyên (QL20) tiến chiếm SÀIGÒN.


* *

*

Kế hoạch đánh chiếm Xuân Lộc (Long Khánh) với chiến thuật “tiền Pháo hậu Xung”, (như đã áp dụng các trận cưỡng chiếm miền Nam), sau đó CSBV sẽ đồng loạt và ồ ạt tiến quân như sau:

- SĐ6/CSBV
– 1 TRĐ đánh chiếm ấp Trần Hưng Đạo, đèo Mẹ Bồng Con trên QL1 giữa Núi Thị và ngã ba Dầu Giây.
– 1 TRĐ đánh vào ngã ba Dầu Giây ngăn chận viện binh VNCH từ Trảng Bôm đánh lên.
– 1 TRĐ trừ bị.

- SĐ7/CSBV
– 1 TRĐ tấn công thị xã Xuân Lộc từ hướng Đông Bắc.
– 1 TRĐ cắt đứt QL1 từ ấp Suối Cát đến ngã ba Tân Phong.
– 1 TRĐ trừ bị. - SĐ341/CSBV
– 1 TRĐ tấn công thị xã Xuân Lộc từ hướng Tây Bắc.
– 1 TRĐ cắt đứt QL20 từ Kiệm Tân đến ngã ba Dầu Giây.
– 1 TRĐ trừ bị.

(Diển tiến) Sáng sớm ngày 8/4/1975, CSBV bắt đầu pháo kích dử dội vào tỉnh lỵ, để 2 mủi tấn công vào thị xã Xuân Lộc có thành phần “đặc công” tháp tùng và xe tăng yểm trợ, theo hướng làng “Phế Binh/QLVNCH” và “ngã ba cua Heo.” Nhà thờ và chợ Xuân Lộc bị trúng đạn pháo khiến nhiều tín đồ xem lễ sớm cũng như dân chúng đi họp chợ sớm bị thiệt mạng.

ĐĐTS43/VNCH trách nhiệm phòng thủ mặt “ngã ba cua Heo” đã đẩy lui ngay mủi tấn công nầy. Một vài nơi khác trên tuyến phòng thủ đã bị CSBV chọc thủng nhưng LLĐN43 đã kịp thời phản công và chiếm lại ngay. Đến chiều cùng ngày thì LLĐN43 đã làm chủ hoàn toàn trận địa; hằng trăm xác CSBV bỏ lại chiến trận với nhiều xe tăng và xe bọc thép bị đốt cháy tại chổ. (5)

Chiến thuật “tiền Pháo hậu Xung” CSBV đã cho thi hành liên tiếp 2 ngày liền (8+9/4/1975) với 6000 quả đạn Pháo đủ loại nhưng kết quả không chiếm được thị xã Xuân Lộc mà còn bị tổn thất nặng nề về sinh mạng và xe tăng bỏ lại tại chổ trước tinh thần chiến đấu anh dũng của quân nhân các cấp trực thuộc SĐ18BB và các đơn vị tăng phái. (16)

Ngoài 2 ngày ác chiến trên, lực lượng QĐ4/CSBV đã liên tục tung ra những đợt tấn công khác vào những ngày kế tiếp với sự phối hợp nhịp nhàng BB/TG dưới hỏa lực yểm trợ Pháo binh đủ loại (1000) quả, quyết chiếm cho được thị xã Xuân Lộc để làm bàn đạp tiến thẳng vào SÀIGÒN bằng QL1, nhưng không mang lại kết quả mong muốn mà trái lại càng bị tổn thất chồng chất về sinh mạng và xe tăng.

Ngày 11/4/1975, CSBV tấn công trại Huỳnh văn Điền (hậu cứ TRĐ52) đồn trú trong thị xã Xuân Lộc; lực lượng phòng thủ đã đẩy lui địch và gây tổn thất của địch như sau: 50 xác cùng với 32 vũ khí đủ loại bị tịch thu + 2 xe tăng T-54 bị bắn cháy. Đêm 11/4/1975, TĐ2/52 tăng phái cho LLĐN 43 do Đại úy Huỳnh Văn Út chỉ huy đã phục kích gần Suối Tre tiêu diệt 1 đoàn xe vừa chở quân, vừa chở đồ tiếp tế; hơn 100 xác CSBV bỏ lại chiến trường; nhiều vũ khí kể cả đại liên phòng không gắn trên xe bị tịch thu. Cũng trong đêm, 1 toán quân đặc nhiệm CSBV lọt ổ phục kích của LLĐN 43; kết quả địch để lại 17 xác trong đó có 4 sĩ quan cao cấp có nhiệm vụ quan sát, điều nghiên tình hình, nghiên cứu địa thế trận chiến.

Ngày 12/4/1975, LĐ1ND gồm: (6)
- TĐ 1 + 8 + 9ND + TĐ3PB/ND
- ĐĐ1TS + ĐĐ3CB + ĐĐ1QY/ND

được trực thăng vận đến vùng hành quân, tăng phái cho SĐ18BB tại mặt trận phòng thủ thị xã Xuân Lộc (Long Khánh); nhiệm vụ của LĐ1ND là hoạt động bảo vệ an ninh dọc QL1 từ Xuân Lộc đến Gia Ray, thay thế LLĐN 48. Sau khi bàn giao nhiệm vụ, LLĐN 48 di chuyển về bố trí dọc theo LTL2 từ ngã ba Tân Phong (chi khu Xuân Lộc) đến căn cứ Long Giao (hậu cứ TRĐ); trở thành trừ bị cho SĐ.

Vùng trách nhiệm của LĐ1ND có 2 Ấp “Bảo Định và Bảo Bình” đều có lực lượng Dân quân tự vệ, được trang bị đầy đủ vũ khí và đạn dược; tinh thần chống Cộng rất cao vì hầu hết dân trong Ấp đều là những con chiên ngoan đạo di cư từ Bắc vào. Ấp Bảo Định cách chi khu Xuân Lộc (ngã ba Tân Phong) khoảng 3 cây sồ về hướng Đông và Ấp Bảo Bình khoảng 4 cây số về hướng Đông Nam. Tinh thần dân chúng trong 2 Ấp rất vững vàng; Quốc kỳ VNCH vẫn bay phất phới ở 2 Ấp, mặc dầu CSBV đóng “chốt” gây trở ngại cho việc liên lạc, tiếp tế từ tỉnh đến 2 Ấp trên.

Ngày 13/4/1975, kế hoạch hành quân của LĐ1ND như sau:
- TĐ9ND, trách nhiệm diệt chốt để giao tiếp với 2 Ấp Bảo Định và Bảo Bình. Kết quả: Địch để lại 13 xác với 1 súng cối 61 ly, 7 vũ khí cá nhân. Quân dân gặp nhau tay bắt mặt mừng.
- TĐ8ND, hành quân lục soát hướng Bắc QL1; vừa xuất phát khoảng 600 thước thì toàn bộ TĐ chạm súng mạnh với địch; LĐ1ND quyết định tăng phái 1 ĐĐ/TĐ9ND để đơn vị tiếp tục thu hẹp vòng vây; Pháo binh vẫn liên tục tác xạ vào đội hình địch. Kết quả: 100 xác CQ thuộc TĐ1/141/CSBV để tại chổ.
- TĐ1ND trừ bị cho LĐ bố trí phía Tây LTL2 và sau đó được lệnh di chuyển đến ấp Bảo Định thay thế nhiệm vụ TĐ9ND.

“Biệt Đội Kỷ Thuật” của P7/BTTM tăng phái trực tiếp cho LĐ1ND, đã nhận được và giải mã hầu hết các mật điện của CSBV.

Chập choạng tối ngày 13/4/1975, C/TS/CSBV xuất hiện để đón TĐ1/141/ ra khỏi vùng HQ sau khi bị LĐ1ND gây tổn thất nặng. Kết quả: C/TS/CSBV bị tiêu diệt; phần lớn do hỏa lực PB/Dù với các hỏa tập tiên liệu của LĐ1ND.

(Mật điện/CSBV)
- TĐT/TĐ1/141 báo cáo không gặp được C/TS và đơn vị chỉ còn 39 đồng chí khỏe mạnh, gần 200 thương binh; di chuyển rất khó khăn.
- TRĐ chỉ thị TĐ2/141 chi viện ngay và không quên nhắc nhở TĐ1/141 phải giữ vững tinh thần.

Khoảng 10 giờ đêm ngày 14/4/1975, TĐ2/141/CSBV xuất hiện; chờ khi địch đã lọt vào trận địa pháo, TĐ1ND cho lệnh khai hỏa. Sau khi ngưng tác xạ, TĐ1ND xung phong lên lục soát mục tiêu và thanh toán nốt những tên CSBV cuối cùng và sau đó án ngữ chờ lệnh. Kết quả: TĐ2/141/CSBV bị tiêu diệt gần hết; phần lớn do hỏa lực PB/Dù.

Ngày 15/4/1975, TĐ8ND báo cáo: “Địch đã chui đuợc vào một ngôi nhà lớn có hàng rào kẻm gai, rất khó vào. TĐ đang tiếp tục bao vây nhưng không thể chui qua hàng rào kẻm gai để tiến chiếm mục tiêu.

Lữ Đoàn chỉ thị TĐ8ND(+) tiếp tục bao vây địch với 2 ĐĐ. Riêng Tiểu Đoàn(-) di chuyển ra gần QL1, bố trí chờ lệnh. Hoàn trả ĐĐ cho TĐ9ND.

Để chứng minh diển tiến trận ác chiến tại Xuân Lộc giữa lực lượng thuộc QLVNCH và CSBV trong giai đoạn đầu, tôi xin ghi lại ý kiến của các vị Tướng Lãnh thuộc Quân đội Huê Kỳ và CSBV cũng như của ký giả người Pháp thân CS đã phát biểu như sau:

- Tướng Smith trưởng phòng tùy viên Quốc Phòng (DAO) của Mỹ tại SÀIGÒN đã hân hoan phúc trình cho Tướng G. Brown, TMT/LQ/HK rằng (7) “Tại chiến trường Long Khánh, rõ ràng QLVNCH đã chứng tỏ sự quyết tâm và anh dũng chiến đấu chống lại địch quân đông hơn gấp nhiều lần. Mặc dầu chiến trường chỉ mới qua giai đoạn 1, chúng tôi có thể nói không ngần ngại rằng QLVNCH đã thắng vòng đầu.”

- Tướng Văn tiến Dũng, TL/CD/HCM đã phải thú nhận (2) “Mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) đã ác liệt và đẫm máu từ những ngày đầu tiên. Các SĐ6+7+341, của ta phải tổ chức tấn công vào thị xả để tiêu diệt từng mục tiêu nhiều lần nhưng gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của TRĐ43 của địch. Các đơn vị Pháo của ta đã sử dụng nhiều hơn số đạn dự trù; số lớn xe tăng và xe bọc thép của ta đã bị hạ. Một số khác phải trở lại hậu cần để sửa chửa, lấy nhiên liệu, và đạn dược.” - Hãy nghe O. Todd người ký giả Pháp đã hơn một lần có thiện cảm với CSBV mô tả (8): Tinh thần của binh sĩ bảo vệ Xuân Lộc rất cao. Hệ thống truyền tin rất tốt, con đường đi từ SÀIGÒN đã được khai thông và viện binh VNCH gồm các đơn vị Dù + BĐQ đã đến. trực thăng tản thương đang hoạt động, trực thăng võ trang đang yểm trợ chiến trường; các trực thăng quan sát cũng như các SQ/QLVNCH gọi PB và Không yểm rất nhanh chóng và chính xát khi phát giác vị trí PB hay xe tăng của CS. Tình trạng gần giống như lúc QĐ/Mỹ còn hiện diện tại đây.

Trở lại mặt trận phòng thủ tuyến thép Xuân Lộc (Long Khánh) Trước sự yểm trợ chính xác và đắc lực của KQ/QLVNCH; tinh thần chiến đấu cao độ của quân nhân các cấp tham chiến tại MT/XL, đã gây tổn thất nặng cho QĐ4/CSBV, nên BTL/CD/HCM đã vội vàng quyết định đưa ngay Tướng “Trần văn Trà” vào thay Tướng “Hoàng Cầm” đồng thời tăng viện các đơn vị kể sau:

- SĐ 325/CSBV
- Liên Đoàn 75 Pháo yểm trợ tầm xa đủ loại
- Đơn vị Pháo/Phòng Không di động đặt trên xe, v.v…

Có thêm quân tăng viện, CSBV tiếp tục tấn công chiếm bằng được thị xả Xuân Lộc; sử dụng 2 QL 1 và 20 để tiến nhanh vào SÀIGÒN, giải phóng miền Nam/Việt Nam.

Vùng trách nhiệm hoạt động của LLĐN 52 rất bất lợi vì địa thế phòng thủ không có địa điểm cao thích hợp như Xuân Lộc nên vị trí chiến đấu không an toàn vì vậy lực lượng phòng thủ phải gánh chịu hỏa lực hùng hậu và áp lực rất mạnh của Pháo và BB+CX địch. Lợi dụng ưu thế trên, địch dồn hết lực lượng vào tấn công đè bẹp LLĐN 52 để xẻ đường, tiến thẳng vào Biên Hòa và SÀIGÒN theo QL 20 (từ Kiệm Tân) và QL 1 (từ ngã ba Dầu Giây).

Ngày 15/4/1975, với chiến thuật “biển người”, CSBV đã tràn ngập lần lượt các tiền đồn và tuyến phòng thủ của LLĐN 52 trên QL 20. trong trận chiến nầy, một binh sĩ SĐ18BB bắt buộc phải chống trả với 10 lính CSBV được yểm trợ đầy đủ hỏa lực PB và xe tăng.

Một TRĐ thuộc SĐ341/CSBV tấn công giữa ban ngày 2ĐĐ/TĐ3/52/VNCH tại Đồi Móng Ngựa; đơn vị phòng thủ phải chống trả liên tục hết đợt tấn công nầy đến đợt tấn công khác. Đến buổi chiều cùng ngày, 2ĐĐ/TĐ3/52/VNCH (đơn vị phòng thủ) Đồi Móng Ngựa báo cáo (9) “Chung quanh chúng tôi rất trống trải, cây cối đã bị hỏa lực đủ loại dọn sạch và thay vào đó bằng xác CSBV nằm dọc theo triền đồi. Với quyết tâm chiếm cho được Đồi Móng Ngựa nên QĐ4/CSBV đã tăng cường cho SĐ341/CSBV TRĐ.95/SĐ325 vừa được tăng viện, tràn ngập vị trí phòng thủ của 2ĐĐ/TĐ3/52.

Thành phần còn lại TĐ3/52 gồm BCH/TĐ + 2ĐĐ/BB với nhiệm vụ phòng thủ núi Sóc Lu và những điểm phía Bắc/Dầu Giây. “Pháo của CSBV rót liên tục và BB tràn ngập các tiền đồn của TĐ3/52(-) trên núi Sóc Lu và các điểm phía Bắc/Dầu Giây” sau đó TĐ mất liên lạc.

Với tình hình nguy ngập trên, phòng tuyến phía Tây/Xuân Lộc dọc theo QL20 do LLDN 52 trấn giữ đã phải chịu hỏa lực và áp lực mạnh của Pháo binh và Bộ binh cùng Chiến xa địch. Với số lượng đông gồm SĐ6/CSBV với 2 TRĐ/Địa phương cũ có rất nhiều kinh nghiệm chiến trường (TRĐ33+TRĐ274), tràn ngập tuyến phòng thủ của LLDN 52 đêm 15/4/1975, bắt buộc lực lượng trên phải phân tán mỏng và rút về hậu cứ Sư đoàn (Biên Hòa) với tổn thất nặng. (10)

Để trả đủa cho LLDN 52 vừa bị tổn thất, sau khi phối kiểm tin tức có giá trị cao về địch cộng thêm các mật điện mà BĐKT đã bắt được của CSBV, Tướng “Lê Minh Đảo” Tư Lệnh mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) đề nghị và qua trung gian trình xin của Trung Tướng “Nguyễn Văn Toàn” Tư Lệnh/QĐIII+QK3/VNCH và đã được Đại Tướng/Tổng Tham Mưu Trưởng/QLVNCH chấp thuận sử dụng Bomb
BLU.82 (Daisy Cutter), một loại Bomb nổ đặc biệt có sức công phá cực mạnh trong một phạm vi rộng lớn. Theo chuyên viên vũ khí TOBIN CARTER (11) đã viết về trái Bomb nầy như sau: “Mục đích của Bomb BLU.82 (Daisy Cutter) là dọn bãi đáp trực thăng hoặc mở rộng vùng đất trống để lập căn cứ hỏa lực; Bomb cũng được dùng để tiêu diệt địch quân khi cần. Bomb có hai loại: “Bomb nổ và Bomb xăng đặc (napalm).” Bomb nặng 7 tấn, chứa gas hổn hợp PROPANE và TNT; Bomb được để trên giàn gổ (palette) có gắn dù khi thả.

25) Giải tỏa thắc mắc về trái Bomb xử dụng

Để giải tỏa thắc mắc về quả Bomb thả trong trận Xuân Lộc (Long Khánh) của Dược sĩ Trần Lý đăng trong báo VN mới số 454, Friday Sept. 24, 1999. Chuẩn Tướng “Trần Đình Thọ”, Trưởng Phòng 3/Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH là bạn học cùng khóa 6/Đinh Bộ Lĩnh/Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (Đàlạt) với người viết bài nầy. Tướng “Thọ” trách nhiệm trực tiếp trình xin quyết định của Đại Tướng/Tổng Tham Mưu Trưởng /QLVNCH về việc sử dụng Bomb BLU.82 (Daisy Cutter) để yểm trợ quân bạn qua trung gian trình xin của Tư Lệnh Quân Đoàn theo đề nghị của Tư Lệnh chiến trường.

“Chuẩn Tướng Thọ” đã xác nhận với tôi bằng email ngày 30/6/1999 với nội dung như sau (sao y nguyên văn):

“Tôi xin xác nhận với anh, đó là loại BLU.82 (Daisy Cutter) chứ không phải CBU.55. Tụi tôi chuẩn bị các mục tiêu theo đề nghị của các Tư lệnh đại đơn vị ngoài mặt trận. Tụi tôi thường gọi là B52/VN. Mổi lần trình Đại Tướng thì chính tôi lên trình bày và xin chấp thuận. Mục tiêu được Đại Tướng chấp thuận rồi, tôi trao cho Không quân; chỉ có Tư lệnh/Không Quân biết và thi hành; mọi mục tiêu đều là “Tối Mật” hết. Thả Bomb nầy rất công phu; chuyên viên Quân cụ và Không quân phụ trách đưa lên phi cơ; Bomb nầy để trên một giàn gổ (palette) có đeo dù; Bomb cũng có loại xăng đặc nữa. Phi công phải là những sĩ quan giỏi bay đêm. Máy bay C130 chở loại Bomb nầy đi thả. Có một lần phi cơ không thả được Bomb vì gần quân bạn, nên tôi cho trút xuống chiến khu C vì nếu đưa Bomb về Tân Sơn Nhứt, lỡ Bomb nổ khi đáp thì sức nổ sẽ tàn phá luôn SÀIGÒN, điện nước sẽ hư hết. Chúng tôi trách nhiệm về sử dụng loại Bomb nầy; chính Tư lệnh Quân Đoàn phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu có sơ xuất xảy đến cho lực lượng bạn. Sử dụng loại Bomb nầy rất hạn chế và chỉ được thỏa mản yêu cầu khi được Đại Tướng chấp thuận, tôi và Trưởng Phòng 2/BTTM trách nhiệm về mục tiêu đánh Bomb.”

Trước sự kháng cự mãnh liệt của QLVNCH tại Xuân Lộc cũng như việc BĐKT đã bắt được hầu hết các mật điện của CSBV, nhờ đó QLVNCH đã xác định được vị trí đóng quân của CSBV và đã tận dụng hỏa lực Phi + Pháo tiêu diệt, khiến tổn thất của CSBV ngày càng cao. Trước sự hoang mang, khủng hoảng tinh thần của các cán binh CSBV, chiều ngày 14/4/1975, trong một buổi họp của QĐ4/CSBV, Chính ủy Hoàng thế Thiện phải trấn an cán binh như sau (12): “Tôi nhắc lại, SÀIGÒN là mục tiêu cuối cùng chứ không phải Xuân Lộc. Giải phóng Xuân Lộc bằng “THẾ” sẽ hay hơn bằng “LỰC”. Các đồng chí cần phải giải thích cho cán bộ và chiến sĩ hiểu vì sao chúng ta không chủ trương tung hết lực lượng vào mặt trận Xuân Lộc trong lúc nầy.

Trong khi đó tại phía nam, hoạt động của LĐ1ND vẫn tiếp diễn đều và mang lại kết quả đáng tuyên dương (6).

Lợi dụng có quân số đông vừa được tăng viện QĐ4/CSBV sử dụng 3TĐ của SĐ7/CSBV cố gắng chọc thủng tuyến phòng thù của LĐ1ND đồng thời giải vây cho 200 thương binh và 39 đồng chí còn sống sót. LĐ1ND đã sẳn sàng và liên tục theo dỏi mọi di động của lực lượng trên kể cả ban đêm. Chờ cho địch di chuyển vào hết trận địa Pháo, TĐ3PB/ND thi nhau nhả đạn, chuyển từ hỏa tập đến hỏa tập khác. Đội hình của địch bị tán loạn. Sáng sớm hôm sau, lực lượng Nhảy Dù tung quân ra lục soát trận địa ghi nhận 300 xác VC để lại tại chổ ngoài ra dân ấp Bảo Bình đi đốn củi cho biết, khoảng 200 thương binh nằm băng bó tại Ấp.

Trưa ngày 18/4/1975, LĐ1ND lệnh cho TĐ9ND cắt cử 1ĐĐ lục soát rộng khu rừng Đông Nam và Nam mà các toán viễn thám của ĐĐTS/Dù báo cáo có sự hiện diện của CSBV; ĐĐ này chạm địch khá mạnh với cấp TĐ/CSBV có hầm hố ngụy trang kỷ. ĐĐ/TĐ9ND xin quân tiếp viện và ĐĐ tiếp ứng cũng chạm súng với địch.

LĐ1ND liền xin BTL/HQ/SĐ18BB tăng cường Chi Đoàn/TQV/M113 được một ĐĐ/Dù tùng thiết để cùng với 2 ĐĐ/TĐ9ND thanh toán nhanh mục tiêu. Kết quả: địch để lại khoảng 200 xác “sinh Bắc tử Nam.” Bạn có 3 hy sinh trong đó có 1 SQ + 18 bị thương + 1 TVX/M113 bị đứt xích. Sáng ngày 20/4/1975 Chi Đoàn/TVX/M113 trực chỉ Long Giao trên LTL2 để trở về với Thiết Đoàn 5 KB vì có lệnh “rút khỏi Xuân Lộc” vào giờ chót.

26) Những dữ kiện liên quan đến lệnh rút khỏi Xuân Lộc (Long Khánh) như sau:

Ngày 10/4/1975, một phái đoàn hổn hợp gồm các Nghị sĩ, Dân biểu Việt và Mỹ vào thăm BTL/HQ/SĐ18BB tại Xuân Lộc (Long Khánh) để nghe thuyết trình về tình hình, quan sát các tù binh CSBV.

Ngày 18/4/1975, Trung tướng “Nguyễn văn Toàn” Tư lệnh/QĐ3 có Chuẩn tướng “Trần đình Thọ” TP3/BTTM/QLVNCH tháp tùng, đến thị sát mặt trận để điều nghiên tình hình liên quan đến việc tiếp tục phòng thủ hoặc rút khỏi Xuân Lộc (Long Khánh).

Ngày 20/4/1975, hồi 0900G sáng, Trung Tướng TL/QĐ3 có Đại tá Hoàng Đình Thọ/TP3 tháp tùng vào thăm BCH/HQ/Mặt trận và lệnh cho Thiếu tướng Lê Minh Đảo/TL/Mặt trận rút toàn bộ lực lượng tham chiến khỏi Xuân Lộc (Long Khánh) trong ngày 20/4/1975. Hoàn trả LĐ1ND+TĐ82BĐQ về BTTM/QLVNCH; lực lượng TK/Long Khánh di chuyển về Phước Tuy (Bà Rịa). Riêng SĐ18BB di chuyển về hậu cứ tại Long Bình (Biên Hòa); sẳn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Sau khi nhận lệnh của QĐ, trực thăng chỉ huy (C&C) của TL/SĐ18BB được sử dụng để bay quan sát tình trạng thật sự LTL2 từ Long Giao đến Đức Thạnh (Phước Tuy) vì từ lâu tỉnh lộ nầy không sử dụng. LTL2 dự trù sẽ là lộ trình chính khi rút toàn bộ lực lượng tham chiến khỏi Xuân Lộc (Long Khánh).

Qua 12 ngày đêm ác chiến với CSBV, tuyến thép phòng thủ Xuân Lộc (Long Khánh) vẫn đứng vững. Lực lượng QĐ4/CSBV tham chiến tại mặt trận đã bị thiệt hại nặng nề về sinh mạng, pháo binh, xe tăng, v.v… nên BTL/CD/HCM đã vội vàng thay đổi kế hoạch tiến chiếm SÀIGÒN như sau (xem sơ đồ 1).

- QĐ3/CSBV từ Củ Chi, sử dụng QL22 tiến vào SÀIGÒN theo hướng Tây.
- QĐ2/CSBV sau khi phá vở phòng tuyến Phan Rang, sử dụng QL1 đánh bọc bên hông Xuân Lộc, sử dụng QL15 để vào SÀIGÒN. QĐ2/CSBV thừa thắng xông lên, làm nổ lực chính, tấn công tiến chiếm SÀIGÒN càng nhanh càng tốt theo hướng Đông Bắc.
- QĐ4/CSBV bỏ ngỏ Xuân Lộc, trở thành trừ bị.
- QĐ1/CSBV từ Thủ Dầu Một sử dụng QL13 tiến nhanh vào SÀIGÒN theo hướng Tây Bắc.
- 3 SĐ phía Nam, sử dụng QL4 tiến nhanh vào SÀIGÒN.

27) HÀNH QUÂN LUI BINH

Ngày 20/4/1975, trong buổi họp hành quân khẩn cấp tại BTL/HQ/SĐ18BB, lệnh triệt thoái được Tướng Lê Minh Đảo TL/MT phòng thủ Xuân Lộc (LK) ban hành vắn tắt nhưng đầy đủ như sau:

- LTL2 nối liền Long Khánh và Phước Tuy sẽ dùng làm lộ trình chính, rút quân về Đức Thạnh (Phước Tuy). LTL nầy từ lâu không sử dụng.
- Kế hoạch lui binh sẽ dựa trên 3 nguyên tắc kể sau:
- Lợi dụng bóng đêm để giữ yếu tố bất ngờ
- Vừa đánh vừa rút
- Giữ trật tự, an ninh đến mức tối đa
- Căn cứ Long Giao (Black Horse củ của Mỹ) cách Chi khu Xuân Lộc 8 cây số về hướng Nam, hậu cứ của TRĐ48/SĐ18BB tạm coi như an ninh. Từ đó cách 4 cây số về hướng Nam là xã xôi đậu Cẩm Mỹ, được ghi nhận có 1 TĐ/Địa Phương/VC, hoạt động lưu động trong vùng.

Thứ tự rút quân như sau:
- LLĐN48 do Trung tá Trần Minh Công TRĐ Trưởng/TRĐ48 chỉ huy với nhiệm vụ mở đường. - BTM/HQ/SĐ18BB+THĐ5KB+các đơn vị yểm trợ kỷ thuật (kể cả 2 khẩu đại bác tự hành 175 ly đặt trên xe bánh xích của QĐ tăng phái) lập thành đoàn Cơ giới do Đại tá Hứa Yến Lến/Tham Mưu Trưởng/Hành Quân/SĐ chỉ huy (13).
- BCH/Tiểu Khu/Long Khánh và các đơn vị trực thuộc do Đại tá Phạm Văn Phúc/Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng chỉ huy.
- LLĐN43 do Đại tá Lê Xuân Hiếu/TRĐ Trưởng/TRĐ43 chỉ huy.
- LĐ1ND+TĐ2/43 do Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh/LĐT/LĐ1ND chỉ huy (lực lượng đoạn hậu rút sau cùng). Đội hình di chuyển theo hình chân vẹt để luôn luôn có hỏa lực yểm trợ thường xuyên quân bạn; trực thăng bao vùng suốt đêm do Đại tá Ngô kỳ Dũng/TRĐ52 đảm trách.

Ngày N (20/4/1975) giờ G (0800 giờ tối)
(Ghi chú)
1) Cuộc hành quân lui binh khỏi Xuân Lộc (Long Khánh) của toàn bộ lực lượng tham chiến là Sư đoàn đã thi hành lệnh của QĐIII+V3CT/QLVNCH để trở về phòng thủ vòng đai an ninh gần SÀIGÒN và phi trường Biên Hòa vì CSBV sau khi không đánh được Xuân Lộc nên đã đi vòng và theo QL15 tiến vào SÀIGÒN qua Biên Hòa. Tinh thần toàn bộ lực lượng tham chiến tại mặt trận Xuân Lộc luôn luôn rất cao, đạn dược đủ loại còn đầy đủ vì vậy hành quân hui binh không phải vì thiếu đạn hoặc tinh thần xuống thấp.

2) Về trực thăng bao vùng đêm 20/4/1975, Tướng Lê Minh Đảo TL/SĐ lệnh cho Đại Tá Ngô Kỳ Dũng (TRĐ52) bay trên “trực thăng chỉ huy” (C&C) để tại Biên Hòa như một “trung tâm điều hợp trên không” để liên lạc và chuyển lệnh của TL/SĐ cho các đơn vị trực thuộc dưới đất vì TL/SĐ cùng đi bộ với LLĐN43 nên việc liên lạc trực tiếp với các cánh quân xa sẽ không rõ và không hửu hiệu.

Cuộc hành quân lui binh được phân chia thành 2 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Hành quân lui binh từ thị xã Xuân Lộc (Long Khánh) về điểm tập trung Đức Thạnh (Phước Tuy) dọc theo LTL2 về hướng Nam.
- Giai đoạn 2: Toàn bộ SĐ18BB di chuyển bằng quân xa từ Đức Thạnh về Long Bình (hậu cứ SĐ) để tái trang bị, tái bổ sung, sẳn sàng nhận nhiệm vụ mới.

A) Trong giai đoạn 1, Tướng Lê Minh Đảo di chuyển bộ cùng với LLĐN 43 để có phản ứng kịp thời khi có biến cố vì lộ trình không an toàn.

Thành phần lực lượng rút quân đợt đầu nhờ đạt “yếu tố bất ngờ” nên đã di chuyển an toàn đến điểm tập trung Đúc Thạnh (Phước Tuy) vào sáng sớm ngày hôm sau (21/4/1975) mặc dầu trên đường rút quân, CSBV đã cố gắng tổ chức phục kích với lực lượng địa phương trên LTL2 với mục đích tiêu hao lực lượng VNCH, làm chậm bước tiến để chờ viện binh lớn (lực lượng QĐ4/CSBV), hy vọng sẽ gây tổn thất cho SĐ18BB để lấy lại uy tín đối với các cán binh trực thuộc. Nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng của quân nhân các cấp trực thuộc SĐ18BB và các đơn vị tăng phái nên đã dễ dàng thanh toán gọn các “chốt” cũng như các “điểm phục kích” của CSBV trên đường rút quân.

(Ghi chú) Một sự việc đáng tiếc xảy ra cho “Tỉnh+Tiểu khu/Long Khánh” là thành phần chính của Tiểu khu gồm Đại tá Phạm văn Phúc/Tỉnh trưởng+Tiểu khu trưởng, Trung tá Lê quang Định/TMT/TK, SQ/B2+B3+SQ/Truyền tin và toán hộ tống đã không di chuyển cùng với BCH/TK/Long Khánh khi rút quân nên đã bị CSBV phục kích. Kết quả: Đại tá Phúc bị bắt sống, Trung tá Định/TMT bị tử thương cùng một số ĐPQ trực thuộc.

Thành phần rút quân đọt 2 gồm LĐ1ND và TĐ2/43 còn đang chạm súng với CSBV; thành phần nầy áp dụng chiến thuật “vừa đánh vừa rút” dưới sự yểm trợ của hỏa lực Phi+Pháo/QLVNCH. Đại tá Lê Xuân Hiếu/LLĐN43 thường xuyên bay trực thăng quan sát bao vùng để hướng dẫn các đơn vị kể trên hành quân về điểm tập trung ấn định.

LĐ1ND, thứ tự rút quân như sau:
- TĐ8ND + BCH/LĐ1ND + các đơn vị yểm trợ kỷ thuật
- TĐ1ND + TĐ9ND sẽ di chuyển cùng với 2 ĐĐ hiện đang chạm địch; trước khi rút quân TĐ sử dụng tối đa hỏa lực pháo binh, bắn dồn dập vào vị trí địch, giả vờ xung phong tiến chiếm mục tiêu, để rồi sau đó “đoạn chiến”, BCH/LĐ + TĐ8ND + TĐ1ND + các đơn vị yểm trợ do Trung tá Lê Hồng/Lữ đoàn phó chỉ huy, hành quân về điểm tập trung ấn định. Liên đoàn trưởng + BCH/nhẹ/LĐ di chuyển cùng với TĐ9ND đoạn hậu.

Tại ngã ba Tân Phong, (CK/Xuân Lộc) những người dân hiền lành tháp tùng lực lượng VNCH để di tản. Thành phần nầy gồm nhiều trẻ em và đàn bà, không tập trung thành đoàn ngủ; 10 quả đạn súng cối 81 ly của CSBV bất thần chụp nổ chát chúa từ trên không xuống ngã ba Tân Phong; hành động nầy đã xác nhận thêm thành tích giết dân vô tội của CSBV.

Cùng thời gian nầy, QĐ4/CSBV đã di chuyển nhanh các đơn vị còn lại để hy vọng tạo thành tích đối với LĐ1ND/VNCH trên đường rút quân. CSBV đã đóng chốt trên ngọn đồi đối diện với căn cứ Long Giao và thỉnh thoảng trực xạ vào cổng căn cứ gây khó khăn cho đơn vị Dù nhưng đã bị lực lượng nầy nhanh tay thanh toán gọn.

Ngày 20/4/1975 hồi 1000 giờ đêm, TĐ8ND+BCH/LĐ+các đơn vị yểm trợ kỷ thuật+ TĐ1ND được lệnh xuất phát hành quân về hướng Long Giao theo LTL2.

Ngày 21/4/1975 hồi 0200 giờ sáng, toàn bộ TĐ9ND+BCH/nhẹ/LĐ bắt đầu rời vị trí sau khi cho nổ “mìn định hướng” (Claymore) để đánh lừa địch. Thành phần nầy đến căn cứ Long Giao hồi 5 giờ sáng.

Địa thế 2 bên LTL2 thuộc phía Nam xả Cẩm Mỹ, phần lớn là những vạt rừng rậm, rừng tre xen lẩn với rừng chồi cao hơn đầu người. Lúc nầy trời đã sáng hẳn, đoàn xe của Đại tá Phúc/Tỉnh trưởng bị phục kích tại đồi Con Rắn (xả Cẩm Mỹ). Một sĩ quan và một số binh sĩ/ĐPQ chạy ngược lại trở lại cho biết “địch rất đông”. Trung tá Định/TMT và một số binh sĩ/ĐPQ bị tử thương, còn Đại tá Phúc/Tỉnh trưởng bị địch bắt; yêu cầu LĐ1ND bắn pháo binh yểm trợ và tiếp cứu.

Sau khi được nghe trình bày tình hình trên, Lử đoàn trưởng Nhảy Dù lệnh cho Pháo đội C yểm trợ ngay cho toán quân của Tiểu Khu Long Khánh thì được Pháo đội trưởng báo cáo: “Địch tấn công và tràn ngập vị trí”. Sau đó có 8 binh sĩ Dù chạy thoát về trình diện và báo cáo: “Địch rất đông; chúng đã bắt Trung úy/Pháo đội trưởng còn Thiếu úy bị mất tích. Một số binh sĩ Dù tử thương.

LĐ1ND báo cáo tình hình lên BTL/HQ/SĐ18BB (lúc đó đã về đến điểm tập trung Đức Thạnh (Phước Tuy) và đề nghị xin phi tuần yểm trợ. Phi cơ quan sát L19 đã lên vùng sau 20 phút; LĐ thông báo tình hình cùng đề nghị mục tiêu oanh kích. Một phi tuần khu trục A37 trút Bomb dọc 2 bên LTL2 và được L19 quan sát thông báo địch rất đông, đang chạy về hướng Đông sau khi bị oanh kích. Hai phi tuần khu trục A37 lần lượt lên vùng, truy kích địch và được L19 cho biết CSBV chết rất nhiều. Phi tuần khu trực thứ 3 được LĐ yêu cầu oanh kích trở lại 2 bên LTL2 để nâng cao tinh thần đơn vị và dân chúng di tản theo.

TĐ8ND sau khi lục soát vị trí Pháo đội C/TĐ3PB/Dù bị CSBV tràn ngập nhận thấy 2 khẩu Pháo 105 ly bị đốt cháy, 12 binh sĩ Dù hy sinh bỏ xát tại chổ và 5 thương binh được săn sóc kịp thời. Riêng tại địa điểm bị phục kích của TK/LK cũng không còn gì ngoài số binh sĩ ĐPQ bỏ xác tại chổ trong đó có Trung tá Định/TMT/TK.

Ngày 21/4/1975 hồi 0600 giờ chiều, LĐ1ND đã về đến điểm tập trung Đức Thạnh (Phước Tuy).

Ngày 22/4/1975 toàn bộ LĐ1ND chấm dứt nhiệm vụ tăng phái cho SĐ18BB; trở về nhận lệnh của BTTM/QLVNCH.

Riêng TĐ2/43/SĐ18BB, sau khi Quận và Chi Khu/Định Quán bị tràn ngập, TĐ2/43 rút về hậu cứ Núi Thị cách Xuân Lộc (Long Khánh) khoảng 6 cây số để nghỉ dưởng quân, trở về hệ thống chỉ huy TRĐ43. Nhiệm vụ kế tiếp của TĐ là bảo vệ các khẩu Pháo hiện đang bố trí tại Núi Thị để tác xạ lừa địch khi rút quân, đồng thời TĐ được đặt dưới sự kiểm soát hành quân của LĐ1ND (đơn vị hành quân lui binh sau cùng). Nhưng cuộc rút quân của LĐ1ND đã thu hút được sự theo dỏi đăc biệt của QĐ4/CSBV và vì bận chiến đấu với lực lượng còn lại của QĐ4/CSBV trên đường rút quân, LĐ1ND quên đi sự giám sát hành quân lui binh của TĐ2/43 vì vậy, Tướng Lê Minh Đảo, TL/SĐ phải bay trực thăng chỉ huy (C&C) và Đại tá Lê Xuân Hiếu Trung đoàn trưởng/TRĐ43 bay trực thăng quan sát, thường xuyên hướng dẩn TĐ2/43 băng rừng hành quân về điểm tập trung Đức Thạnh (Phước Tuy) 3 ngày sau và chịu thiệt hại thêm một số.

Ngày 23/4/1975, TĐ2/43/SĐ18BB đơn vị sau cùng đã về đến địa điểm tập trung Đức Thạnh (Phước Tuy).

B) Trong giai đoạn II – Sau 2 ngày chỉnh đốn lại các đơn vị trực thuộc Sư đoàn tại điểm tập trung Đức Thạnh đến sáng ngày 23/4/1975, toàn bộ SĐ18BB được quân xa chuyên chở về hậu cứ Long Bình (Biên Hòa) để tái trang bị, tái bổ sung, sẳn sàng thi hành nhiệm vụ mới.

28) TỔNG KẾT LỰC LƯỢNG VÀ TỔN THẤT

281) Lực lượng

a) Bạn QLVNCH
SĐ18BB: TRĐ 43 + 48 + 52
3 TĐ/PB105 ly + 1 TĐ/PB155 ly
Đơn vị tăng phái: LĐ1ND: TĐ1 + 8 + 9/ND + TĐ3PB/ND
2 khẩu Đại Pháo 175 ly đặt trên xe bánh xích
TĐ82BĐQ
LL/ĐPQ+NQ/TK/Long Khánh
SĐ3/Không Quân

b) Địch CSBV
QĐ4/CSBV: SĐ6 + 7 + 341
SĐ Pháo 130 ly + Hỏa tiển 122 ly
Sư đoàn xe tăng T.54, xe bọc thép PT.76
Đon vị tăng cường: SĐ325 + Liên Đoàn 75 Pháo đủ loại
Đơn vị Pháo/Phòng Không gắn trên xe

282) Tổn thất
a) Bạn QLVNCH 30% cho tất cả lực lượng tham chiến
60% cho LLĐN52

b) Địch CSBV 5000 đến 6000 thương vong
37 xe tăng và xe bọc thép bị thiêu hủy tại chổ
1 Đại liên Phòng Không gắn trên xe bị tịch thu

(Ghi chú)
Tổn thất “địch” đã được cựu Đại tá Harry G. Summers Jr., tác giả đã xác nhận trong quyển sách “Historical Atlas of the VN/War” New York-NY 1995 – Phillip B. Davidson, VN at War – Novato – CA.1988 – P612.

III. PHẦN CUỐI

Với chiến thắng tại mặt trận phòng thủ tuyến thép Xuân Lộc (Long Khánh) 12 ngày đêm ác chiến là trận chiến thắng cuối cùng trong tháng 4 đen 1975 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (nói chung) và Sư Đoàn 18 Bộ Binh (nói riêng) được thực hiện bởi quân nhân các cấp trực thuộc Sư Đoàn và các đơn vị tăng phái (LĐ1ND, TĐ82BĐQ, LL/ĐPQ+NQ/TK/LK, các Binh Chủng Yểm Trợ Kỷ Thuật, và hỏa lực không yểm chiến thuật của SĐ3/Không Quân) trước khi “giả từ chiến trường” là cố giữ phần đất Tự Do còn lại của miền Nam/Việt Nam, nhưng cuối cùng đã phải “thất bại” vì bị Đồng Minh phản bội. Miền Nam/Việt Nam lọt vào tay Cộng Sản, chẳng phải trách nhiệm riêng của Chính Phủ/SÀIGÒN mà là thất bại chung của “khối Tự Do, nhất là HOA KỲ!!!

IV. NHẬN XÉT

41) Tổng quát
Lực lượng QĐ4/CSBV tham chiến tại mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) đã bị thiệt hại nặng nề, hàng ngủ lỏng lẻo, tinh thần sa sút nên mặc dầu lực lượng QLVNCH đã hành quân lui binh khỏi Xuân Lộc đêm 20/4/1975 mà mãi đến ngày 26/4/1975 (6 ngày sau) CSBV mới hiện diện tại thị xả nầy.

Ngày 25/4/1975, Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương đã vinh thăng đặc cách mặt trận cấp bậc “Thiếu Tướng” (2 sao) dành cho Chuẩn tướng (1 sao) Lê Minh Đảo, Tư Lệnh/SĐ18BB kiêm Tư Lệnh/Mặt Trận Xuân Lộc (Long Khánh) (13) để tưởng thưởng công lao xứng đáng và thành tích xuất sắc đoạt được của SĐ18BB và các đơn vị tăng phái thuộc mọi “Quân Binh Chủng/QLVNCH kể cả ĐPQ+NQ” trong trận chiến thắng tuyến thép Xuân Lộc (Long Khánh) 12 ngày đêm ác chiến với CSBV.

Để trả thù cho lực lượng CSBV đã bị thiệt hại nặng tại mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) Tướng Lê Minh Đảo/Tư Lệnh đã phải trả giá cho hành động dũng cảm trên bằng 17 năm tù cải tạo, sau khi CSBV cưởng chiếm trọn vẹn miền Nam/Việt Nam (30/4/1975). (14)

Sự thành công của cuộc hành quân lui binh của SĐ18BB và các đơn vị tăng phái đã nói lên điểm son của QLVNCH trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến. Hành quân lui binh là một hành động hết sức khó khăn, nhất là khi phải lui binh dưới hỏa lực địch.

SĐ18BB và các đơn vị tăng phái đã đoạn chiến một cách tài tình để cả Đại đơn vị lui binh một cách an toàn, ít thiệt hại. SĐ18BB đã lập kế hoạch di chuyển Bệnh xá/SĐ và gia đình binh sĩ trực thuộc về hậu cứ Long Bình (Biên Hòa) trước khi trận chiến xảy ra; điểm khác biệt nầy chính là ranh giới giữa “thành công” và “thất bại” so với hai cuộc hành quân lui binh của các lực lượng thuộc QĐ1 và QĐ2/VNCH. (2).

Chiến thắng Xuân Lộc (Lơng Khánh) đã kết thúc một cách hào hùng trong Quân sử chót của QLVNCH; người ta sẽ càng ngạc nhiên và thán phục hơn khi biết rằng SĐ18BB không phải là một Đại đơn vị kỳ cựu, vũ bảo hàng đầu của Quân Đội mà chỉ là một Sư Đoàn Bộ Binh bình thường như các SĐ/BB khác của QLVNCH. Thực thế đây là một sư đoàn tân lập vào tháng 5/1965; và mùa hè 1972, Đại tá Lê Minh Đảo được chỉ định chỉ huy SĐ18BB đến ngày 30/4/1975. (2)

Theo các bản lượng giá định kỳ hàng tháng của các sĩ quan cao cấp Mỹ được gọi tắt là “SAME” thì trong năm 1967, SĐ5+7+18/BB là 3 Đại đơn vị yếu kém nhất của QLVNCH. (15)

Quân kỳ/SĐ được tưởng thưởng “1 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu” năm 1972 nhưng đến năm 1975, Quân kỳ/SĐ được tưởng thưởng “3 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu” và được vinh dự mang “Giây Biểu Chương màu Quân Công Bội Tinh” (màu xanh). Năm 1974, SĐ18BB đã được bình bầu và tuyên dương “Đơn Vị Xuất Sắc” của QLVNCH.

Với Đồng Minh của VNCH thì chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt trước cuộc hành quân lui binh khỏi Xuân Lộc (Long Khánh) của SĐ18BB và các đơn vị tăng phái (20/4/1975). Ngày 18/4/1975, Ủy Ban Quốc Phòng/Thượng Viện/Hoa Kỳ biểu quyết bác bỏ đề nghị viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng Hòa. (19)

42) Cá nhân

Trong quyển sách vinh danh QLVNCH với tựa đề “Cái chết của Nam/VN”, ông Phạm Kim Vinh đã chuyển ngữ lời nhận xét của 4 nhà trí thức ngoại quốc về mặt trận Xuân Lộc như sau: (16)

A. Dawson, trưởng phòng Thông tin của hảng UPI tại Sàigòn đã viết: “Lúc địch quân bắn 3000 quả đạn đại bác vào Xuân Lộc thì Tướng Đảo không có mặt tại đó. Nhưng ông đã nhanh chóng đến nơi lúc binh sĩ của ông đang giao tranh tại đường phố để kiểm soát thị xả. Hỏa lực của hai bên đều rất dữ dội. Trong vài giờ đầu, SĐ18BB phải rút bỏ một phần thị xả, nhưng sau đó đã phản công để chiếm lại; đến tối thì SĐ6/CSBV phải gom quân và triệt thoái để chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác. Trận đánh kéo dài từ ngày nầy qua ngày nọ và cứ thế… Tướng Đảo và binh sĩ của ông đã đánh một trận quyết liệt mà ít người dám nghỉ rằng họ có thể làm được. CS tung vào Xuân Lộc một sư đoàn nữa. SĐ18BB vẫn tiếp tục chống cự. Ngày 10/4/1975, Cộng quân lại đánh vào giữa thị xã và lại bị đẩy lui. Ngày 12/4/1975, quân CSBV vẫn không tiến chiếm được chút nào. Hai Trung Đoàn của Quân Đội Nam/Việt Nam không những đã giữ vững được vị trí mà còn phản công dử dội hơn. Thêm 3000 quả đạn đại bác nữa rót vào Xuân Lộc xé nát mọi vật. SĐ18BB vẫn đứng vững. Tướng Đảo ở lại bên cạnh các binh sĩ của ông và tiếp tục chiến đấu.

D. Warner, ký giả kỳ cựu của Úc đã viết: “Với 3 SĐ6+7+341/CSBV, Văn Tiến Dũng tin tưởng sẽ chiếm được Xuân Lộc một cách dể dàng nhưng ông đã lầm. SĐ18BB chưa bao giờ được xem là một sư đoàn thiện chiến của miền Nam/Việt Nam, trái lại có lần sư đoàn nầy còn được xem là một sư đoàn tệ nhứt. Thế mà trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, Sư đoàn nầy đã chiến đấu một cách dũng cảm; không những họ đã giữ vững được trận địa mà lại còn phản công mổi ngày. Tuy nhiên không phải chỉ có SĐ18BB đã anh dũng chiến đấu đến giờ phút cuối cùng mà còn nhiều đơn vị khác của QLVNCH như giáo sư người Mỹ…

A.T. Bouscaren đã viết: “Mặc dầu thiếu thốn đủ mọi thứ cấn thiết để chiến đấu nhưng các SĐ5+18+25/VNCH và các SĐ/ND+TQLC+BĐQ, v.v… đã chiến đấu thật hay. Tại Gò Dầu Hạ, đại bác 105+155ly của Quân Đội Nam/Việt Nam chỉ được sử dụng vài viên cho mổi khẩu; các chiến đấu cơ/Không Quân không thể yểm trợ liên tục vì thiếu nhiên liệu; Bộ Binh do đó đã phải tự lực chiến đấu, v.v…

P. Darcourt (sử gia người Pháp) đã nhận xét: “Cộng quân có một đơn vị phòng không hùng mạnh trên xe kéo; các phi công Nam/Việt Nam phải đối diện với nguy hiểm khi yểm trợ cho quân bạn dưới đất. Tại Xuân Lộc quân bạn dưới đất đã sáp chiến với địch và PB/CSBV đã tác xạ hơn 6000 trái đạn đại bác liên tiếp trong 2 ngày vào các vị trí của SĐ18BB; liên lạc vô tuyến với BCH của Tướng Đảo lúc đầu bị gián đoạn rồi sau đó được tái lập. Quân của ông bám sát trận địa, chiến đấu cực kỳ dũng mảnh và nhứt định không lui mặc cho những trận mưa lửa cứ trút lên đầu họ.

Tướng Văn Tiến Dũng/TL/CD/HCM đã phải ngạc nhiên viết tiếp khi lực lượng QĐ4/CSBV phải dừng lại tại mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) (14): “Kế hoạch tấn công Xuân Lộc của QĐ4/CSBV lúc đầu chưa tính hết được sự phát triển phức tạp của tình hình, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố của địch. Tính chất giằng co ác liệt qua trận đánh nầy không phải chỉ trong phạm vi của Xuân Lộc nửa rồi. Nó liên quan đến việc “mất hay còn” của ngụy quyền SÀIGÒN, đến việc “giẩy chết” của chế độ Thiệu. Việc tổ chức, chỉ huy và tiến hành các cuộc chiến đấu của ta không thể làm như củ được nữa. Cách đánh cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình lúc đó.

Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức BCT/TU/ĐCSBV cũng phải thú nhận (3) “Sau 2 lần B2 xin thêm quân thì tôi vào chiến trường gặp lúc hội nghị Miền cũng vừa kết thúc. Tôi được nghe anh em báo cáo lại là đã bàn về việc đánh Xuân Lộc. Tôi có tham gia với anh Dũng và các đồng chí rằng: “Vội gì mà phải đánh Xuân Lộc vào lúc nầy.” Hiện nay ta đang điều quân và các cánh quân cũng đang trên đường hành quân gấp. Đánh SÀIGÒN thì các nơi tự khắc tan rả và tạo điều kiện rất thuận lợi cho chúng ta đánh địch. Anh Văn Tiến Dũng nói: “Tôi cũng thấy như vậy. Nhưng anh em đã quyết định rồi. Tôi mới vào chưa nắm được cụ thể tình hình. Thôi cứ để anh em đánh. Lúc ấy tôi cũng được biết trước đó, theo chủ trương của Miền, anh em đã đánh Thủ Thừa, đường số 4, bị thiệt hại nặng không giải quyết được chiến trường. Ngoài ra còn có bọn địch ngoan cố chống cự như trận đánh vào Đồng Dù và Nước Trong là các trận đánh ác liệt tại miền Đông, thương vong của ta không phải là ít. Do đó tôi mới có ý toan bàn với các đồng chí ngưng đánh Xuân Lộc. Nhưng nghe anh Dũng nói, tôi cũng nghỉ có thể mình mới vào, chưa rõ hết tình hình, cứ để các đồng chí đánh vậy. Kết cục là anh em cũng không đánh được Xuân Lộc bị thương vong nặng, phải rút ra. Thực tế diển biến chiến đấu sau đó, chứng tỏ việc đánh Xuân Lộc lúc ấy là chưa cần thiết.”

Robert D. Hein (ký giả người Mỹ) đã viết: “Dầu sao thì các Sư đoàn của Nam/Việt Nam cũng đã chiến đấu tuyệt vời năm 1972 và bị đối phương tấn công tới tấp để rồi 3 năm sau, đối phương mới đánh bại được quân của Nam/Việt Nam. Chắc chắn là tinh thần của Quân lực Nam/Việt Nam suy sụp vì cái ý nghĩ bị bỏ rơi và sự sụp đổ xảy ra là vì Quân đội miền Bắc được 2 đại cường quốc CS giúp đở tận tình để trắng trợn xâm chiếm miền Nam/Việt Nam.” (“All Quiet On The Eastern Front” do Devin-Aldair xuất bản năm 1977, trang 47).

Tướng Westmoreland. Trong cuốn “All Quiet On The Eastern Front” do Devin-Aldair xuất bản năm 1977, trang 47, tác giả A.T. Bouscaren trích dẩn lời truy điệu của Tướng Westmoreland nguyên Tư lệnh các lực lượng Đồng Minh tham chiến tại Việt Nam về cái chết của Nam/Việt Nam như sau: “Sau những hy sinh chồng chất kéo dài suốt nhiều năm, lẽ ra Nam/Việt Nam xứng đáng nhận được cái chết cao cả hơn thế. Sự thất bại nầy do một số nguyên nhân gây ra như sau: “Thỏa hiệp ngưng bắn để mặc cho quân Bắc Việt hiện diện tại Nam/Việt Nam; sự sa sút tinh thần của Nam/Việt Nam khi biết rằng bị bỏ rơi trong khi phía Bắc Việt được tiếp tế đều đều bởi hai cường quốc Cộng sản. Yếu tố then chốt là nước Mỹ không hành động gì.

Tướng Pháp hồi hưu “Vanuxem” Tư lệnh mặt trận Bàn Yên Nhân (gần Hànội mùa Xuân năm 1954 đẩm máu) không đầy 6 tháng, sau khi Việt Nam sụp đổ đã ghi rõ trong cuốn “La deuxieme Mort du Viet Nam” rằng: “Trong chiến tranh Việt Nam, cứ mổi 8 phút lại có một chiến sĩ Quốc gia tử trận và sau khi “thỏa hiệp ngưng bắn Paris” ra đời (27/1/1973) Nam/Việt Nam hoàn toàn chiến đấu một mình để mổi tháng phải đặt mua 3000 quan tài chôn tử sĩ. Số thương vong năm 1974 đã vượt xa số thương vong năm 1968 (Guenter Lewy-America in Viet Nam, trang 207). Sau khi nêu những con số rùng rợn trên đây, Tướng Vanuxem đặt câu hỏi: “tại sao vẫn còn những kẻ cứ nặng nặc la lối rằng Nam/Việt Nam không chịu chiến đấu.” Tướng Vanuxem nói thêm: “Chỉ riêng cho năm 1974, Bắc Việt nhận được đồ tiếp tế trong số đó có “1500 xe tăng loại T.54+T.55+T.59 + 600 đại bác hạng nặng + gần 2000 phi đạn SAM + hơn 240.000 tấn đạn và một số tàu phóng ngư lôi. (17)

Tướng Trần văn Trà, Tư lệnh QĐ4/CSBV tham chiến tại mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) đã thú nhận (18): “Các báo cáo cho biết các mủi tiến triển tốt, ta chiếm được nhiều mục tiêu. Nhưng vào cuối ngày 10/4/1975 trở đi, tình hình trở nên căng thẳng. Địch phản kích điên cuồng tuy chúng bị thiệt nặng. Máy bay địch đánh phá ác liệt có tính chất hủy diệt mục tiêu chúng đã mất. Quân Đoàn đã kêu thiếu đạn các loại, nhứt là SĐ6+SĐ341 riêng SĐ7 thì thiếu quân số; tình hình rất gay go. Các đồng chí Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng và cả anh Lê Đức Thọ, rất lo lắng khi thấy địch càng tập trung thêm lực lượng và ta có vẻ khựng lại. Chiếm mục tiêu không nhanh gọn. Hoặc bị đẩy lui.”

Đại tá William E. Le Gro, nhân chứng giờ hấp hối của Nam/Việt Nam cuối tháng 4 năm 1975. Ông ta phục vụ tại Trung Tâm Quân Sử của Lục Quân/Mỹ đã kết luận: “Lấy từng đơn vị so với từng đơn vị; lấy từng cá nhân so với cá nhân, thì các lực lượng của Nam/Việt Nam liên tiếp tỏ ra trên chân các lực lượng đối phương. Nhưng sự lãnh đạo Quân sự và Dân sự cấp cao nhứt của Nam/Việt Nam không có, cũng như không có sự yểm trợ tinh thần và vật chất kiên trì của Mỹ.”

Leslie Gelb, ngày 20/3/1975 trên tờ báo New York Times đã nhận định: “Người ta đồng ý rằng trong 2 năm qua, Nam/Việt Nam đã phải chết nhiều hơn trước để bù lấp sự cắt giảm hỏa lực yểm trợ. Các cấp chỉ huy trẻ và Hạ sĩ quan chết nhiều nên đã đưa tới nạn thiếu hụt trầm trọng về cấp chỉ huy. Sự thiếu hụt ấy làm cho tinh thần binh sĩ sa sút thêm. Quân Lực Nam/Việt Nam càng ngày càng tức giận vì cái cảm tưởng bị Đồng minh Mỹ đã bỏ rơi rồi lại còn không hề phản ứng trước các sự vi phạm trắng trợn của Hànội sau thỏa hiệp ngưng bắn 27/1/1973. Quốc hội và báo chí Mỹ gia tăng sự nhục mạ Nam/Việt Nam khi cứ đều đều kết tội Nam/Việt Nam là không chiến đấu, là không đáng được giúp đở. Tất cả những điều nầy khiến cho Nam/Việt Nam cảm thấy bị phản bội và thấy ý chí chiến đấu suy yếu.”

Solzhenitsyn, văn hào Nga lưu vong, gởi cho thế giới tự do lời truy điệu trong cuốn sách mới nhứt của ông có tựa đề: “Lời cảnh cáo gởi Tây phương”. Đặc biệt trong cuốn sách nầy, ông ta gay gắt lên án thế giới vì đã bất công trong sự xét đoán ý chí của Nam/Việt Nam. Ông ta viết: “Sau sự sụp đổ của Nam/Việt Nam năm 1975, ta thường được nghe những lời giải thích “chúng ta không thể bảo vệ những kẻ không cố ý và không có khả năng tự bảo vệ tới tài nguyên nhân lực của chính mình; chúng ta không nên bảo vệ những kẻ không có nền dân chủ đầy đủ”. Quả thật đó là những lời giải thích kỳ quái. Thế giới đã làm gì khi Cộng sản miền Bắc trắng trợn xâm lăng Nam/Việt Nam.

Bùi Diễm, nguyên Đại sứ lưu động của VNCH, đã ghi lại cảm nghỉ như sau (19): “Lực lượng Bắc Việt với số lượng quân cụ to tát của Xô Viết và Trung Hoa đã phô bầy ra khi từng đoàn quân CSBV tiến theo các quốc lộ chính. Điều kiện rất thuận lợi cho các cuộc “không tập”.

Chỉ cần sự can thiệp của Không quân Mỹ (sự can thiệp mà Nixon và Kissinger đã hết lòng hưá hẹn với “Tổng Thống Thiệu” năm 1973) để tiêu diệt các đoàn quân nầy, làm tê liệt khả năng tác chiến của CSBV trong nhiều năm. Tại Xuân Lộc (Long Khánh) chu vi phòng thủ xa Sàigòn, SĐ18BB của miền Nam/Việt Nam đã đẩy lui tất cả các cuộc tấn công của địch quân.

Sự kiện xảy ra tại miền Nam/Việt Nam, hoàn toàn tuỳ thuộc vào Quốc Hội sắp tái nhóm. Một Quốc Hội quá chán ngán chiến tranh và mệt mỏi vì đã yểm trợ một đồng minh có quá nhiều khuyết điểm. Tại Hoa Thạnh Đốn, tôi cũng còn chút hy vọng mong manh có được từ phái đoàn của Tướng Weyand (đang công tác tại Việt Nam) nhưng hy vọng trên lại vụt tắt ngay ngày 11/4/1975 (2 ngày sau khi phái đoàn Weyand trở lại Mỹ, được biết “đề nghị chuẩn chi viện trợ khẩn cấp cho VNCH bị bác bỏ”. Việc phủ quyết sau cùng đã đánh dấu việc bỏ rơi Đồng Minh của Huê Kỳ. Những binh sĩ đang chiến đấu can trường tại Xuân Lộc (Long Khánh) cũng như hàng triệu người Việt Nam tị nạn đang trốn chạy Cộng Sản đều không biết rằng “án tử hình” của họ đã được “tuyên bố” trên đồi Capitol.

V) CẢM TƯỞNG CỦA THIẾU TƯỚNG “LÊ MINH ĐẢO” TƯ LỆNH MẶT TRẬN XUÂN LỘC (LONG KHÁNH) ĐỂ THAY CHO LỜI KẾT CỦA BÀI VIẾT NẦY

“Chiến thắng Xuân Lộc chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không phải là không chịu đánh mà rất chịu đánh. Anh em chiến sĩ không bao giờ chấp nhận một sự bại trận dù trong tình thế tuyệt vọng; họ đã chứng tỏ hùng hồn cho thế giới thấy là họ đã đánh một trận “tuyệt vời” như thế nào tại Xuân Lộc.

Cuộc chiến đấu của QLVNCH là một cuộc chiến đấu quá chính đáng và cần thiết. Chính nhờ cuộc chiến đấu nầy mà miền Nam/Việt Nam đã được sống thanh bình, ấm no trong vòng hơn 20 năm qua, nhân phẩm con người được tôn trọng.

Trước hết, tôi muốn nói đến tâm hồn cao thượng của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Họ hy sinh cho người khác sống. Họ sẳn sàng hy sinh sanh mạng mà họ không oán trách, không hận thù cả địch, cả những cấp lãnh đạo chỉ huy đã không chăm sóc họ đúng mức.

QLVNCH cao cả lắm, đời đời chúng ta hãy ngẩng mặt lên. Chúng ta phải thấy được sự kiêu hùng của QLVNCH.

Ở thế hệ của chúng tôi tri ân những người đã hy sinh; các em thanh niên là thế hệ kế tiếp cũng biết ơn họ; sau nầy những thế hệ con em chúng ta cũng sẽ nhớ ơn họ mãi mãi. Đó là những người con yêu của Tổ Quốc chúng ta. Trời Việt Nam, đất Việt Nam cũng đồng tình với chúng ta!!! (13)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Nguyễn Tấn Hưng & JL Schecter - Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, C&K Promotions, Inc. California 1986 – Moshe Dayan (Chương XXII - trang 594) – “Hưng” phỏng vấn Eric Von Marbod, 10/5/1985 (Chương XXI – trang 573)
2) Nguyễn Đức Phương - Chiến Tranh Việt Nam (toàn tập) trang 551+577+792 - Làng Văn - năm 2001
3) Tập san “Lịch sử Quân sự” (số 3) Bộ Quốc Phòng/Viện lịch sử Quân Đội CSBV Hànội 1988
4) Người đất đỏ, nhìn lại những ngày, tháng 4/1975 - Xuân Lộc đã chiến đấu như thế nào? VNTP số 270
5) C. Doughan and D. Fulghum – The Vietnam experience – The Fall of the South – Boston Publishing Co – Boston 1985
6) Nguyễn Văn Đỉnh - Hồi ký chiến trường - LĐ1ND tại mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) - Tuần báo VN/Mới số 485 đến 493/2000
7) W.E Le Gro – Viet Nam from Cease-Fire to Capitulation (trang 174) – US Government Printing Office – WA/DC 1985
8) O. Todd Cruel – April – The Fall of Saigon – WW Norton & Co – New York 1990
9) Ý Yên - Trận Đánh Đồi Móng Ngựa - Sàigòn Post
10) Phạm Huấn “Những uất hận trong trận chiến mất nước 1975” - Tác giả xuất bản – California 1988
11) Tobin Carter – Daisy Cutter in Viet Nam 1989 – Arsenal VN/Summer (trang 12+14)
12) H. Nam - Mặt Trận Đông Bắc/Sàigòn – nxb. Văn Học/TP.HCM năm 1978
13) Phạm Phong Dinh – TT/Lê Minh Đảo và cuộc chiến đấu cuối cùng tại MT/Xuân Lộc (Long Khánh) tháng 4/1975 - Chiến sử QLVNCH – trang 187 đến 197, nxb Xuân Thu 1988
14) Văn Tiến Dũng - Đại Thắng Mùa Xuân – nxb Quân Đội Nhân Dân - Hànội 1976
15) J.J. Clarke – Advice and Support – The Final Year 1965-1973 – US Gorvernment Printing Office – WA/DC 1988
16) Phạm Kim Vinh – Cái Chết của Nam/Việt Nam (những trận đánh cuối cùng) trang 342-344-345, nxb. Xuân Thu – California 1988
17) Vanuxem – La Deuxième Mort du Viet Nam – trang 44, nxb. Paris 30/4/1975
18) Trần văn Trà - Kết thúc chiến tranh 30 Năm - nxb. Văn Nghệ TP/HCM 1983
19) Bùi Diễm & Chanoff - In the Jaws of History – nxb. Houghton Mifflin – Boston 1987 – University Press – Indiana 1999 – Gọng Kềm Lịch Sử, nxb. Phạm Quang Khải năm 2000.



CHIẾN DỊCH “HỒ CHÍ MINH”

LỰC LƯỢNG THAM CHIẾN CỦA CSBV

(SƠ ĐỒ 1)


TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG


BẠN QLVNCH

ĐỊCH CSBV
TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG
BẠN QLVNCH 1
ĐỊCH CSBV 5
(SƠ ĐỒ 2)

QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
TUYẾN THÉP PHÒNG THỦ “XUÂN LỘC” (LONG KHÁNH)
(SƠ ĐỒ 3)